Nỗ lực giữ sân nhà

T.GIANG (thực hiện) 05/08/2023 08:00

Để hiểu rõ hơn những cố gắng của các nhà bán lẻ nội địa trong việc giữ vững thị trường “sân nhà” phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Đức.

PV:Ông nhận định như thế nào về quy mô của thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay?

Ông Nguyễn Anh Đức: Theo số liệu của Bộ Công thương, dự kiến quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam là 155 tỷ USD. Con số này khá cao và có ý nghĩa lớn. Còn theo các công ty nghiên cứu thị trường, Việt Nam nằm trong nhóm thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Đây là lý do tại sao Việt Nam thu hút lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài cùng với các đối tác khác cùng tham gia vào hoạt động bán lẻ, đặc biệt là bán lẻ hiện đại. Hiện nay có nhóm 20 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới đã được điểm danh tại thị trường Việt Nam như: Metro (Đức), Aeon (Nhật Bản)... Nhóm kế tiếp là nhóm 100 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới như Lotte (Hàn Quốc), Walmart (Mỹ), Central Retail (Thái Lan)... đã tham gia. Những nhà bán lẻ này có sức cạnh tranh và quy mô lớn ở thị trường thế giới.

Doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang đứng trước sức ép đến từ các thương hiệu nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh. Vậy bán lẻ trong nước cần làm gì để phát huy thế mạnh sân nhà?

- Những năm qua, nhà bán lẻ nội địa có xu hướng giảm thị phần so với các nhà bán lẻ ngoại. Các nhà bán lẻ ngoại có tiềm lực mạnh về tài chính, có kinh nghiệm và có sức mua toàn cầu nên ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh. Song, đối với nhà bán lẻ trong nước, am hiểu thị trường vẫn là thế mạnh hàng đầu, hiểu được người tiêu dùng muốn gì. Ngoài ra, các nhà bán lẻ trong nước đang có sự thích ứng với xu hướng mới để tham gia và đóng góp giúp người tiêu dùng có những trải nghiệm tốt hơn.

Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam thích ứng ra sao, thưa ông?

- Bán lẻ hiện đang đối diện với hàng loạt xu hướng mới. Thực tế cho thấy, sau dịch bệnh Covid-19, người tiêu dùng có sự thay đổi về thói quen mua sắm theo hướng tiết kiệm hơn theo xu hướng tập trung vào những mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng thường xuyên, những mặt hàng mang tính chất cho nhu cầu hàng ngày nhiều hơn so với phân khúc cao cấp. Xu hướng thứ hai là xu hướng hiện đại hóa. Hiện nay công cuộc tự động hóa, số hóa có những tác động liên quan đến thương mại điện tử, thanh toán không tiếp xúc, thanh toán không dùng tiền mặt... Những xu hướng này đã có sự phát triển rất cao đòi hỏi bán lẻ trong nước phải bắt nhịp tốt hơn.

Vậy còn xu hướng tiêu dùng xanh như thế nào, thưa ông?

- Xu hướng tiêu dùng xanh vẫn là xu hướng phát triển bền vững được các nhà bán lẻ tính toán. Thế nhưng, cách thức và sự lựa chọn hướng đi như thế nào sẽ tùy thuộc vào từng nhà bán lẻ. Theo tôi, tỷ lệ phát triển tiêu dùng xanh ở các nhà bán lẻ vẫn có những khiêm tốn nhất định vì tiêu dùng xanh và tiêu dùng bền vững cần phải có sự đồng bộ giữa các ngành với nhau. Và, vai trò quyết định của xu hướng này vẫn là nhà sản xuất. Riêng nhà bán lẻ như Saigon Co.op vẫn mong muỗn có sự tiên phong trong xu hướng này cùng với định hướng vĩ mô của nhà nước để phát triển bán lẻ hiện đại theo tầm cao hơn. Ngoài ra, do chi phí cho sản phẩm xanh, sản phẩm sạch khá lớn nên đòi hỏi người tiêu dùng hưởng ứng và thích ứng.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực giữ sân nhà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO