Nỗ lực 'xanh hóa'

Nam Việt 04/10/2023 07:00

Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, cả nước mỗi năm có đến 60.000 công trình được cấp phép xây dựng nhưng đến nay chỉ có 300 công trình được chứng nhận xanh (theo chuẩn quốc tế); tương đương 0,5% tổng công trình xây mới mỗi năm. Nói như Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn thì con số này “khá khiêm tốn”.

Nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh bảo vệ môi trường bền vững là xu thế của thế giới, đặc biệt trong bối cảnh Trái Đất đang nóng lên. Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc, lượng khí thải toàn cầu đang trên đà vượt qua giới hạn nóng lên 1,5 độ C được đưa ra trong Thỏa thuận Paris năm 2015 và có thể tăng tới 3,2 độ C vào cuối thế kỷ này. Điều đó đe dọa trực tiếp tới sự tồn vong của nhân loại.

Để đối phó với những thách thức và phát triển xanh, bền vững, phát thải carbon thấp tiến tới phát thải ròng bằng 0, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hành động và chính sách nhằm thúc đẩy công trình xanh. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 (Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, tháng 11/2021). Việc khuyến khích phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh cũng đã được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định số 15/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, việc phát triển công trình xanh trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Về phía chủ đầu tư dự án công trình xanh vẫn khó tiếp cận và đảm bảo nguồn vốn đầu tư tăng thêm cho dự án, công trình để đáp ứng tiêu chuẩn xanh; thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật có đủ trình độ trong lập dự án, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý vận hành công trình xanh. Trong khi đó, chưa có quy định bắt buộc áp dụng với công trình xanh mà vẫn thực hiện theo hình thức tự nguyện, khuyến khích.

Cách đây chưa lâu, trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh 2023 tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh”. Thông tin tại tọa đàm cho biết, công trình xanh được phát triển trên thế giới từ những năm 1990 và dần trở thành phong trào, là xu hướng đầu tư xây dựng và quản lý vận hành của các công trình ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, công trình xanh xuất hiện đầu tiên vào năm 2005. Đến hết quý 2/2023, Việt Nam có gần 300 công trình xanh được đánh giá, chứng nhận bởi các hệ thống, tiêu chuẩn quốc tế với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 7 triệu m2.

Đáng chú ý, tới nay Việt Nam chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0.

Công trình xanh được thiết kế và xây dựng theo tiêu chí tiết kiệm năng lượng và tài nguyên nước, sử dụng vật liệu bền vững, giảm xả khí thải ô nhiễm, cải thiện tiện nghi cho người sử dụng, đối phó hiểm họa khí hậu, hòa nhập cộng đồng... Vì vậy, các công trình này phải sử dụng các nguyên vật liệu đầu vào phù hợp và đáp ứng tiêu chí giảm thải carbon ra môi trường.

Khó khăn nổi rõ là định mức đầu tư cho công trình xanh cao hơn công trình xây dựng thông thường, được cho là từ 8% đến 15%. Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng cần hỗ trợ nguồn vốn vay lãi suất thấp cho các chủ đầu tư dự án công trình xanh, cũng như cần nghiên cứu thành lập quỹ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và công trình xanh.

Đáng chú ý hơn, theo các chủ đầu tư xây dựng, đó là chúng ta chưa có một bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn có tính pháp lý rõ ràng cho công trình xanh. Chính vì không có một quy định hướng dẫn cụ thể nên các doanh nghiệp loay hoay không biết triển khai như thế nào. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn kiến nghị Chính phủ, các bộ cần sớm ban hành các chính sách, hàng lang pháp luật quy định rõ ràng về công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng nhằm khuyến khích và bắt buộc đối với các công trình, dự án đầu tư. Riêng với Bộ Xây dựng cần sớm ban hành hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn, bộ tiêu chí hướng dẫn thiết kế công trình xanh; đưa ra các khung tiêu chí, tiêu chuẩn công trình xanh dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn chung của thế giới và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Như vậy trong nỗ lực “xanh hóa”, mà ở đây là các công trình xây dựng, việc ưu tiên về vốn vay ngân hàng với lãi suất thấp là cần thiết, nhưng quan trọng hơn chính là một bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí về công trình xanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực 'xanh hóa'