Vào ngày trẻ em năm nay, đâu đó trên mạng, người ta vẫn thấy xuất hiện những clip trẻ đánh nhau. Và đối với nhiều bậc cha mẹ, ngày trẻ đi học có nỗi lo của đi học, ngày trẻ nghỉ hè mà cha mẹ vẫn đi làm lại là một vấn đề khác, cũng không dễ dàng hơn. Có nghĩa là mọi bất an luôn bủa vây những đứa trẻ thời hiện đại.
Ảnh minh họa.
Đi học thì lo va chạm với bạn bè, đánh nhau, điểm kém, lo đưa đi học thêm, lo tiền đóng góp… Nghỉ học đối với trẻ bé thì lo người trông, với trẻ lớn thì lo các thiết bị điện tử cuốn hút.
Tất cả những bậc làm cha mẹ ngày nay đều đang cố gắng nhất trong khả năng có thể phù hợp với từng gia cảnh để bao bọc cho con những điều kiện tốt nhất (theo quan niệm của mỗi người). Nhưng con cái chúng ta đâu phải chỉ lớn lên theo ý chí của mỗi gia đình, theo sự bao bọc của mỗi bậc cha mẹ. Chúng đang phải sống ở nhà, ở trường, ở ngoài xã hội phù hợp với tất cả những gì mà cả xã hội đang phơi bày ra, ê hề tốt xấu. Bởi vậy, sự “khôn lỏi” nào đó của từng bậc cha mẹ (như là bỏ tiền ra chạy cho con vào trường tốt) không giúp cho từng đứa trẻ tốt hơn. Tạo ra một môi trường sống tốt cho trẻ phải là sự chung sức của cả xã hội, của tất cả mọi gia đình. Quan niệm rằng gia đình mình sẽ có môi trường tốt cho con giống như việc vứt rác ra đường để giữ nhà mình sạch. Đến một lúc nào đó, môi trường bẩn ngoài đường sẽ bốc mùi bay vào từng nhà, khi toàn bộ môi trường sống không còn trong sạch, không có phần nào là sạch riêng của mỗi nhà nữa.
Sự bất an trong lòng các bậc cha mẹ đối với những đứa con giờ đây đã giống với việc sống trong một vùng không gian đã bị ô nhiễm. Có thể sau cánh cửa, khi những đứa trẻ đã trở về nhà chúng vẫn đang giữ bộ mặt ngoan hiền, sống trong sự bao bọc nhung lụa. Nhưng ngay khi chúng ôm lấy một cái máy tính, một cái smartphone hay đặt chân ra ngoài đường, tới trường học là chúng đã trôi trong một đời sống xã hội. Ở đó, hàng triệu người lớn đang nói bậy, dùng ngôn ngữ hè phố mỗi ngày. Ở đó, người ta miệt thị nhau, chửi bới nhau, doạ đập chết nhau không tiếc lời. Ở đó, sex và bạo lực sẵn tới mức chẳng cần phải tìm, tự các trang mạng ấy sẽ nhảy ra… Tôi biết có những bố mẹ thậm chí đã phải xin nghỉ làm chỉ để đưa đón con đi học. Nhưng đưa tới cổng này, đứng chờ cả buổi mà nó vẫn chuồn cổng khác đi chơi lúc nào không biết.
Xã hội những năm qua từng rất đau lòng khi chứng kiến không phải một lần những clip trẻ con đánh nhau. Mỗi lần như thế dư luận xã hội lại ồn ào, rồi thôi. Trong đời sống xã hội, chẳng thể việc gì cũng tròn trịa, hoàn hảo, nếu không muốn nói là cái ác ngày nay đang lớn dần lên và lấn át cái thiện. Nhưng thất bại ở mọi lĩnh vực không đau đớn và nghiêm trọng như những thất bại trong giáo dục. Bởi vì thất bại trong giáo dục là hỏng cả một thế hệ trẻ, liên quan và quyết định tới cả tương lai của một dân tộc.
Chúng ta đang rất cần một môi trường xã hội trong lành để những đứa trẻ vào đời được hình thành nhân cách trong lành. Chỉ có sự an toàn chung từ môi trường xã hội mới khiến những người làm cha mẹ yên tâm rằng con cái đang được an toàn bất kể khi chúng đang đi học hay ở nhà.
Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy nhiều người hoan hỉ, hả hê chuyền tay nhau đọc một cuốn hồi ký về những đứa trẻ ở một khu tập thể nổi tiếng thời bao cấp. Trong cuốn sách đầy rẫy cảnh bạo lực mà những đứa trẻ thường dùng để giải quyết khi có mâu thuẫn với nhau. Có gì khác đâu giữa những cảnh tượng thời bao cấp ấy với những clip đánh nhau ở học đường ngày nay. Vậy thì sao chúng ta khen ngợi hết lời những “kỷ niệm” ấy trong khi rõ ràng chúng ta cảm thấy ghê sợ khi nghĩ rằng rất có thể nhân vật trong clip học đường ngày nay là con mình.
Sẽ rất cũ nếu nói lại mệnh đề người lớn phải là tấm gương. Nhưng điều đó giống như một chân lý, nó cũ như Trái đất vì nó vẫn đúng. Có ai đó đã nói rằng người lớn ngày nay sẽ làm tấm gương thế nào khi không ít thầy cô và không ít cha mẹ còn đang loay hoay hình thành nhân cách của chính mình.
Trẻ em ngày nay sống sung sướng hơn rất nhiều những thế hệ trước kia về mặt vật chất, nhưng vì sao trong tâm lý các bậc cha mẹ lại thấy bất an nhiều hơn. Các em đi học, lớn lên, bước vào đời một mặt vừa thênh thang hơn, mặt khác lại đầy những khó khăn khác hẳn trước kia. Phương thức giáo dục trẻ và cách tiếp cận các chính sách cho trẻ em có theo kịp với sự thay đổi mang tính thời đại đối với trẻ em không? Đó là một vấn đề không nhỏ.
Một mùa hè và một tháng hành động vì trẻ em đã đến, đằng sau những hoan hỉ nghỉ mát, trại hè, học kỹ năng sống… là ngổn ngang những lo lắng bất an. Rõ rệt nhất là những trò chơi điện tử đầy hấp dẫn trên mạng đang chờ để cuốn các em vào đó.