Thống kê mới nhất của Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng và Côn trùng Trung ương (NIMPE) cho thấy, gần một nửa dân số Việt Nam nhiễm giun. Trong đó, tỷ lệ người nhiễm giun ở khu vực trung du và miền núi chiếm khoảng 65,3%. Trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đều có nguy cơ nhiễm giun cao.
Bàn giao hơn 5 triệu viên thuốc tẩy giun cho Viện Sốt rét,
Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương.
PGS. TS Trần Thanh Dương - Viện trưởng NIMPE cho biết, nước ta ở nước vùng nhiệt đới nóng ẩm nên rất thuận lợi cho các kí sinh trùng phát triển và gây bệnh. Do đó, nguy cơ dẫn đến việc nhiễm và tái nhiễm các bệnh kí sinh trùng, giun sán rất cao. Điều này có thể do điều kiện vệ sinh môi trường, lao động của người dân chưa đảm bảo.
Đa số người dân ở vùng nông thôn thường lao động bằng chân tay nhưng ít đi dép và đeo găng tay bảo hộ. Việc này đã tạo điều kiện cho giun sán dễ dàng xâm nhập qua da. Hơn nữa, thói quen ăn tiết canh, gỏi cá sống… ở một số địa phương cũng là nguyên nhân dẫn nhiễm các bệnh giun sán.
Tác hại của việc bị nhiễm kí sinh trùng, giun sán rất lớn. Nếu như bệnh nhân bị giun tròn trú ngụ ở đại tràng, tá tràng với số lượng lớn thì gây tắc ruột. Thực tế, đã có trường hợp bệnh nhân bệnh nhân lâu ngày không tẩy giun nên bị tắc ruột. Khi mổ ra trong ruột bệnh nhân đã có từ 3.000-5.000. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi thường bị nhiễm giun tròn dẫn đến bị suy dinh dưỡng dẫn đến ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần. Hay nếu trẻ em nhiễm giun móc ở tả tràng sẽ bị giun hút máu hàng ngày dẫn đến việc thiếu máu ở trẻ em rất lớn. Nếu nhiễm sán kí sinh ở não, tim, gan, đường mật sẽ dẫn đến tình trạng gây viêm, tổn thương ở các cơ quan và có thể dẫn đến tử vong.
Để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm kí sinh trùng, giun sán, BS.Trần Huy Thọ - Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành NIMPE cho rằng, hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng các biện pháp đơn giản và dễ thực hiện. Đó là thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn thực phẩm sống chưa chế biến, vệ sinh rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Khi đi làm ruộng nên mang bảo hộ lao động như găng tay cao su để tránh tiếp xúc với ấu trùng qua da xâm nhập vào cơ thể. Đồng thời, thực hiện việc tẩy giun định kì 1 năm 2 lần vào 6/1 và 1/6 hàng năm để đảm bảo tẩy giun không bị tái nhiễm. Hơn nữa, cần tẩy giun cho tất cả các thành viên trong gia đình để đảm bảo hạn chế nguồn lây nhiễm từ cá nhân cho cộng đồng và ngược lại.
Ngày 25/8, tại Hà Nội, Tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision International) tại VN đã trao hơn 5 triệu viên thuốc tẩy giun Albendazole cho Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng và Côn trùng Trung ương (NIMPE). Theo đó, số thuốc này sẽ được NIMPE phát cho khoảng 5 triệu phụ nữ độ tuổi từ 15- 45 tại 16 tỉnh thành khó khăn (Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Yên Bái, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đak Lak, Quảng Nam, Bình Phước, Tây Ninh). NIMPE chịu trách nhiệm phát động đợt tẩy giun, cấp phát thuốc, giám sát và đánh giá toàn bộ hoạt động này. Theo PGS. TS Trần Thanh Dương, nhiễm giun gây nhiều tác hại, biến chứng như thiếu máu, thiếu vi chất, suy dinh dưỡng, gây bệnh gan mật, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của con người. Đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Trẻ em mầm non, học sinh tiểu học và phụ nữ ở độ tuổi sinh sản cần được tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần vì họ có nguy cơ nhiễm giun cao. |