Trong lễ tuyên dương 64 giáo viên cắm bản vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều người đã đặt câu hỏi: Lí do gì để các thầy, cô có thể bám trụ được ở những ngôi trường với đầy rẫy khó khăn như thế? Ai cũng chỉ có một câu trả lời rằng, vì chúng tôi thương các em.
Giáo viên cắm bản vẫn miệt mài đem con chữ tới vùng khó khăn.
Xót lòng khi nhìn những bữa cơm
Trong những gương mặt được tuyên dương ấy, có người là giáo viên cắm bản được 3 năm, có người 10 năm, có người 20 năm. Mỗi người mang một cảm xúc riêng khi đặt chân tới bản, trong đó có nước mắt và cả niềm hạnh phúc.
Nhắc đến học sinh của mình, cô giáo Cao Thị Nghĩa (Trường Tiểu học Mường Lồng I, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã vô cùng xúc động. Cô cho biết: Tôi đã khóc khi tận mắt chứng kiến những bữa cơm của học sinh, trong căn nhà bếp lụp xụp, không có điện. Đám học sinh ngồi vây quanh nồi cơm, mỗi đứa bốc một nắm cơm, tay kia cầm quả ớt đưa vào miệng mút, kế đó là ca nước lã. “Nhìn cảnh ấy mà trào nước mắt. Bọn trẻ dùng ớt để có vị cay kích thích ăn được nhiều cơm hơn”…
Cũng chung một nỗi niềm, cô Lê Thị Hằng dạy tại điểm trường thuộc huyện Lang Chánh, Thanh Hoá chia sẻ: “Những năm đầu đến đây, tôi thấy các em cầm cơm nguội vừa đi vừa ăn với muối, tôi đã khóc. Đó là động lực thôi thúc tôi ở lại để được giáo dục các em, vận động bà con lao động”.
Hàng tuần cô phải đi bộ hơn chục cây số, gồng gánh gạo và thức ăn lên dạy các em. “Với 15 năm công tác, tôi chỉ biết nói rằng, tôi đến với bản làng, với các em vì tình thương. Điều tâm huyết nhất của tôi là vì tôi thương các em, thương đồng bào cách biệt, bao quanh là núi đá. Bà con hiện giờ không đói lắm nữa nhưng điện chưa có, trạm xá ở xa, nên mỗi khi về thị trấn tôi cũng thường mua những loại thuốc thông dụng, mang vở và bút cho các em viết. Nói đến Lang Chánh không ai nghĩ lại khó khăn như thế...”
Là giáo viên dạy ở một tỉnh xa xôi, cô giáo Tạ Thị Hương (Trường PT Dân tộc bán trú Tiểu học Xã Hiếu, Kon Plông, Kon Tum) xúc động nói: Tôi đã có mấy chục năm công tác trong ngành, 15 năm công tác tại Bắc Giang và 5 năm công tác tại tỉnh Kon Tum. Năm năm lên miền núi dạy học tôi mới thấm thía được cảnh học sinh ở miền núi so với miền xuôi khác nhau như thế nào. Ngày đầu tiên bước chân lên Kon Tum, về huyện đặc biệt khó khăn tôi thật sự bất ngờ, không thể hình dung được trên đất nước mình lại có nơi khó khăn, vất vả như thế. Và từ đó tôi quyết định dồn hết tâm tư nguyện vọng vào với ngôi trường.
Khó khăn vẫn cứ chất chồng
Ngoài những vất vả khó khăn về cơ sở vật chất, các giáo viên cắm bản còn khó khăn trong việc giao tiếp khi học sinh của mình đều là người dân tộc. Cô Phùng Thị Huyền, công tác tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên tâm sự: “Trường của tôi dạy vừa được tách ra từ năm 2014, cách điểm trường chính 6 cây và chỉ có 25 cháu. Nơi tôi công tác có những đứa trẻ không có cả quần, áo mặc, thậm chí có những cháu không có dép để đi đến lớp. Hơn nữa còn chưa có điện lưới và nhận thức người dân tộc còn hạn chế. Khi mới về công tác tôi đã rất khó khăn trong giao tiếp, chia sẻ với học sinh vì bất đồng ngôn ngữ. Nhiều khi cô muốn trò chuyện, giao lưu thể hiện tình cảm nhưng các em không hiểu. Dần dần tôi phải học hỏi thêm tiếng địa phương ít nhiều để dễ bề trò chuyện với các em hơn, tình cảm cô trò gắn bó hơn”.
Những cô giáo như cô Huyền, cô Hương hay cô Hằng… đều đã phải hy sinh cuộc sống và hạnh phúc của mình để đem con chữ về với bản. Trong số các cô ấy có những cô phải bỏ cả con nhỏ mới chỉ vài tuổi ở nhà với ông bà, hy sinh hạnh phúc riêng để đem đến niềm vui chung cho dân bản, cho các em học sinh nghèo. Hiện tại cô giáo Huyền đã có chồng và 1 con nhỏ 3 tuổi. Chồng cô cũng là giáo viên cắm bản.
Nhắc đến con, cô không khỏi ngậm ngùi: “Đứa trẻ nào sinh ra cũng mong muốn có được tình cảm của bố mẹ dành cho mình, nhưng với những đứa trẻ có bố mẹ công tác ở vùng cao như chúng em thì lại phải gửi gắm các con về với ông bà, nhờ ông bà chăm sóc… Biết là thương con, biết là nhớ con nhưng đành phải chấp nhận, bởi vì công việc của mình đã chọn và cần phải quyết tâm đến cùng”.
Hay như cô giáo Nguyễn Thị Thêu đang cắm bản tại huyện Đồng Văn - Hà Giang, cũng vậy. Cô chấp nhận xa gia đình, xa người thân để đến với một nơi vô cùng khó khăn là Trường Tiểu học Phố Cáo. Cô Thêu cho biết lúc nào cũng cảm thấy có lỗi với con: Trước kia là thanh niên 25 tuổi ở Ninh Bình, tôi cũng mơ ước được làm giáo viên cho dù khó khăn đến mấy, cho dù trẻ tuổi cũng vẫn khắc phục được. Nhưng khi đã có gia đình thì mới thấy vô cùng khó khăn. Thấy các con thiếu thốn rất nhiều. Tôi phải gửi con về quê trông hộ. Khi gọi điện về chỉ biết khóc.
Vượt lên trên tất cả khó khăn, các thầy cô vần quyết định chọn gắn bó với vùng cao. Tất cả đều gạt bỏ nỗi niềm riêng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nhìn thấy các em ngày một lớn lên, thấy dân bản ngày càng no ấm là niềm vui khó có thể nói hết thành lời. Như cô Lê Thị Hằng, dù năm nay đã 54 tuổi vẫn luôn khẳng định: “Nếu còn được công tác, tôi có thể dạy các em thêm 10 năm nữa”. Hay nói như thầy Nguyễn Hùng Hiệp (đang công tác tại trường Tiểu học Tri Lễ 4, huyện Quế Phong, Nghệ An): “Chúng tôi đã cảm thấy quen với cuộc sống này”…