Từ bao đời nay, múa dân gian các dân tộc thiểu số luôn đóng vai trò quan trọng làm nền tảng cho sự phát triển nghệ thuật múa chuyên nghiệp và là những di sản văn hóa tiêu biểu của Việt Nam. Thế nhưng, theo các chuyên gia tại buổi hội thảo “Từ múa dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam đến tác phẩm múa chuyên nghiệp” vừa diễn ra tại Hà Nội thì hiện nay những “tinh hoa” đó đang bị lai tạp, vay mượn đến mức khiên cưỡng.
Múa dân gian các dân tộc thiểu số đang đứng giữa
ranh giới mong manh bảo tồn và phát triển.
Nghiệp dư “chất” hơn chuyên nghiệp
NSND Hoàng Hải (Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa) nhận định, những năm trở lại đây, các điệu nhảy mới như Rock, Rap, Hiphop, múa đương đại tràn ngập vào Việt Nam phần nào đã làm mờ nhạt, lấn át múa dân gian. Ông Hải dẫn chứng, nhìn lại các sân khấu hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc thì các tiết mục múa dân gian của các đoàn tham gia hội diễn không nhiều. Bên cạnh đó, việc đầu tư kinh phí và thời gian ít ỏi vì thế chất lượng tác phẩm không cao, không để lại ấn tượng. Hội diễn vừa kết thúc đã có các phẩm phải “về hưu”, “nghỉ mất sức” hoặc cho vào kho lưu trữ. Chưa kể, thực tế hiện nay chúng ta đang tràn ngập thị trường về văn hóa ngoại lai. Các kênh thông tin nghệ thuật trên sóng truyền hình, các đoàn nghệ thuật ca, múa, nhạc nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn làm cho khán giả trong nước no chán về nghệ thuật, lãng quên cả cái hay múa dân gian của dân tộc mình.
Không chỉ múa dân gian các dân tộc thiểu số đang thiếu đi sự quan tâm đúng mức, mà thực tế đằng sau đó còn là những câu chuyện buồn. NSƯT Bùi Chí Thanh chia sẻ: Rất nhiều đoàn nghệ thuật đã tăng kinh phí bao cấp đi mời các tác gia nổi tiếng, có tài năng và hợp đồng nhiều nghệ sĩ biểu diễn để xây dựng tác phẩm với mong muốn được tặng những tấm huy chương vàng, huy chương bạc để rồi được phong tặng NSND, NSƯT. Hội diễn kết thúc, những tác phẩm múa có quy mô, chất lượng cao chỉ biểu diễn một, hai buổi rồi bỏ. Thậm chí có đoàn nghệ thuật đã phải giải tán ngay trên đường trở về địa phương để giảm chi phí.
NSƯT Bùi Chí Thanh cũng cho biết một số tác phẩm được cắt xén cho gọn lại, để đem về địa phương; đặc biệt là vùng sâu, vùng xa để biểu diễn. Do đó nhân dân các dân tộc thiểu số rất ít khi được trực tiếp xem những tác phẩm nghệ thuật múa có chất lượng cao và giá trị lớn. Thực trạng đó đã biến những tác phẩm múa có quy mô lớn, chất lượng thành những tác phẩm có chất lượng thấp, giá trị càng thấp hơn. “Tuổi thọ” của một số tác phẩm múa chuyên nghiệp hàng chục năm qua rất thấp. Sáng tác nhiều những tác phẩm còn gìn giữ phát huy được lại rất ít ỏi. Thực trạng đó đang tạo nên sự giảm thiểu uy tín, vị trí nền nghệ thuật múa Việt Nam.
“Lệch pha” văn hóa
Có thể thấy, đồng hành với sự hội nhập của xã hội theo nhiều hình thức khác nhau thì mảng văn học nghệ thuật nói chung và múa dân gian nói riêng đang có chiều hướng lệch pha. Đơn cử, NSƯT Lê Thị Quỳnh Anh – Chi hội trưởng Chi hội múa tỉnh Khánh Hòa cho hay: Dòng múa dân gian lại có chiều hướng lai tạp, biến tướng, không rõ ràng và chạy theo thị hiếu khán giả. Điều đó tạo ra nhiều nguy cơ dẫn đến nền nghệ thuật truyền thống mà chúng ta đang cố gắng gìn giữ từ bao thế hệ trước tới nay bị biến tướng và mất dần bản sắc, làm khán giả bị nhầm lẫn về dân tộc, trang phục. Trên sân khấu múa hiện nay, một số biên đạo lấy trang phục dân tộc làm phương tiện để thông báo tới khán giả về dân tộc mình phản ánh, còn dường như chất liệu ngôn ngữ, phong tục dân tộc thì không được quan tâm. Có người đưa động tác múa dân gian của một dân tộc lên sân khấu nhưng lại sử dụng âm nhạc, trang phục truyền thống của dân tộc khác; hoặc trang phục được làm mới, mất đi nét đặc trưng của dân tộc đó...
Một số đoàn nghệ thuật có rất nhiều tiết mục múa mang chất liệu lẫn lộn với dân gian nước ngoài. Đây là những điều đang hiện hữu rất nhiều trong các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc trong nhiều năm qua và đặc biệt là các cuộc thi nghệ thuật quần chúng.
Theo GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh- nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam: Múa dân gian có sức mạnh, có giá trị bản sắc, là mạch nguồn hấp dẫn với các biên đạo. Nhiều thế hệ biên đạo vốn có ý thức, yêu quý vốn múa dân gian, trực tiếp đi sưu tầm, nghiên cứu học múa qua các nghệ nhân, từ đó thấu hiểu nguồn gốc, lịch sử, môi trường sáng tạo, đặc điểm, giá trị bản sắc độc đáo múa dân gian của từng dân tộc cụ thể. Ngược lại hành trình sáng tạo tác phẩm múa chuyên nghiệp trong hơn nửa thế kỷ qua cho thấy những điểm sáng, dấu ấn thành công đều có nguồn cội từ múa dân gian, như: Cánh chim mặt trời (NSND Thái Ly), Khúc biến tấu từ những pho tượng cổ (NSND Ứng Duy Thịnh), Mùa hoa ban nở (NSND Minh Tiến), Tây Bắc vui tươi (Hoàng Châu)... Vào thời kỳ hoàng kim của múa dân gian, các đoàn đua nhau dựng múa nón Thái, múa sạp, múa xòe, múa khèn, múa trống…
Từ thực trạng trên có thể thấy việc đưa chất liệu múa dân gian vào sáng tác múa chuyên nghiệp là một việc không dễ dàng. Do vậy, các nhà biên đạo múa muốn tạo ra tác phẩm có đầy đủ chức năng giáo dục, nhận thức và thẩm mỹ phải thực sự hiểu và có tình yêu dân tộc, hiểu biết về các giá trị văn hóa, giá trị địa lý và phong cách, động tác múa cơ bản, từ đó, có tư duy cho ngôn ngữ múa của mình trong tác phẩm, tránh sự giả dối, chắp vá trong sáng tác múa chuyên nghiệp.