Các ngân hàng vừa được nới rộng tín dụng, cá biệt nhiều trường hợp được mở cho vay lên tới 36%. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp cho biết vẫn khó tiếp cận vốn.
Doanh nghiệp vẫn chưa dễ tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng.
Ông Nguyễn Mạnh Cường- đại diện DN sản xuất Cường Hưởng ở làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) phân tích với Đại Đoàn Kết: một số hộ gia đình tại làng gốm cũng được tiếp cận vốn ngân hàng để đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh giá năng lượng ngày càng cao. Thế nhưng, số tiền ưu đãi chỉ có hạn vay trong 4 năm. Trong quãng này giá điện giá xăng biến động thường xuyên mọi chi phí đều lên, DN tồn tại được đã khó chứ chưa nói đến chuyện tích lũy để trả nợ, để đầu tư công nghệ mới hợp thời. Bản thân ông mong muốn xin được kéo dài thời gian vay vốn để đầu tư công nghệ, tiết kiệm năng lượng.
Ông Nguyễn Đình Sơn- Tổng Giám đốc Công ty CP Rừng hoa Đà Lạt cho biết, mỗi hecta đất trồng hoa, DN này phải đầu tư 1 - 3 tỷ đồng nhà kính. Tuy vậy, các ngân hàng lại không chấp nhận sử dụng nhà kính làm tài sản thế chấp khiến DN hạn chế trong khả năng tiếp cận vốn.
Ông Nguyễn Hùng- Tổng giám đốc công ty chuyên cung ứng rau sạch cũng cho biết, hiện công ty có bao nhiêu giấy tờ nhà đất đem thế chấp hết để vay vốn ngân hàng. Giờ muốn vay thêm vốn ngân hàng cũng khó. Theo mục tiêu của NHNN, định hướng năm 2015 tín dụng tăng từ 13 -15%. Tùy vào điều kiện có thể nới con số tăng trưởng tín dụng lên 17%. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng đã đặt mục tiêu trong năm 2015 giảm từ 1 - 1,5% lãi suất cho vay trung và dài hạn để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên tình trạng DN khó tiếp cận vốn vẫn xảy ra.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, những DN không tiếp cận được vốn ngân hàng nguyên nhân chủ yếu là do DN không có tài sản, tình hình tài chính yếu kém, không chứng minh được khả năng trả nợ… “Tổ chức tín dụng chỉ là trung gian tài chính, huy động vốn của người dân để cho vay nên hoạt động cho vay phải đảm bảo an toàn”. Liên quan đến kiến nghị chấp nhận nhà kính làm tài sản thế chấp, bà Hồng thừa nhận, hiện nay chưa có quy định về cấp giấy chứng nhận tài sản trên đất. NHNN và các bộ, ngành đang xem xét, nghiên cứu để sớm ban hành hướng dẫn về cấp chứng nhận sở hữu với tài sản trên đất nhằm tạo điều kiện cho DN sử dụng tài sản này thế chấp ngân hàng.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất ổn định như hiện nay, theo dõi sát diễn biến khả dụng của các ngân hàng thương mại, nếu có bất thường thì NHNN sẽ bơm hút tiền linh hoạt và thông qua tái cấp vốn hỗ trợ vốn cho các tổ chức tín dụng, đảm bảo mục tiêu điều hành từ đầu năm.
Báo cáo của NHNN Chi nhánh Hà Nội, đến nay, các ngân hàng trên địa bàn TP đã cam kết cho DN vay 51.328 tỷ đồng với lãi suất phổ biến từ 6 - 8%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, từ 8,5 - 10,5%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn lãi suất thấp của DN vẫn rất lớn. Vì vậy, trong 6 tháng cuối năm, cơ quan này sẽ tiếp tục chủ trì làm việc giữa tổ chức tín dụng và DN trên địa bàn để giải quyết khó khăn, vướng mắc và biện pháp xử lý thích hợp trong quan hệ tín dụng, chủ động xử lý theo thẩm quyền các vướng mắc, khó khăn, kiến nghị của tổ chức tín dụng và khách hàng.