Không chỉ ngập úng vào mùa mưa, TP HCM còn thường trực nỗi lo sạt lở khi mưa lớn kết hợp triều cường dâng cao. Mùa mưa năm nay, trong số 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn, thành phố cảnh báo 8 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Nỗi lo bên bờ kênh Thanh Đa
Ngay thời điểm đầu mùa mưa, tuyến bờ kênh Thanh Đa, đoạn gần cầu Kinh (quận Bình Thạnh, TP HCM) thường xuyên xảy ra sạt lở khiến một số nhà dân bị sụt lún, nhiều nhà lân cận cũng phát hiện vách tường nứt toác.
Từ cuối tháng 6 đến nay, nhiều hộ dân tại hẻm 886 Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 25, quận Bình Thạnh) được thông báo khẩn trương di dời vật dụng, dọn nhà ra khỏi khu vực sạt lở này để bảo đảm an toàn.
Nguyên nhân của tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp tại tuyền bờ kênh Thanh Đa (quận Bình Thạnh) được Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM xác định, bước đầu do đang trong thời điểm mùa mưa kết hợp triều cường xảy ra thường xuyên gây bão hòa nước, từ đó tạo áp lực nước gây nguy cơ sạt lở. Nhất là, khu vực nhà dân xây dựng cách bờ kè 3,5m sẽ chịu áp lực rất lớn của tình trạng sạt lở. Sau các sự cố sạt lở đầu mùa mưa, Tổ công tác chuyên theo dõi tình hình sạt lở tại tuyến kè Thanh Đa thuộc Công an phường 25, quận Bình Thạnh đã thường xuyên túc trực tại khu vực có nguy cơ sạt lở cao.
Theo Đại úy Phạm Hồng Quân - Phó Trưởng Công an phường 25 (quận Bình Thạnh), qua khảo sát hiện nay, tuyến kè Thanh Đa có dấu hiệu sạt lở nên tổ công tác được giao tăng cường lực lượng có mặt thường xuyên tại khu vực để hỗ trợ người dân sơ tán nếu xảy ra sự cố bất ngờ.
Cũng theo Đại úy Quân, với bất kỳ dấu hiệu bất thường nào diễn ra ngay lập tức được Tổ công tác có nhiệm vụ báo cáo về UBND quận và Công an quận Bình Thạnh để kịp thời chỉ đạo phương án xử lý.
Để chủ động với việc ứng phó với nguy cơ sạt lở tại địa phương, UBND quận Bình Thạnh đang rà soát nhân khẩu khu vực nguy hiểm, trong đó có 15 hộ dân, với 79 nhân khẩu. Trong số này, quận đánh giá có 7 căn nhà (gồm 35 nhân khẩu) thuộc diện di dời theo sự chỉ đạo và các hộ còn lại tự di dời theo nguyện vọng.
Chờ xây dựng kè chống sạt lở
Không chỉ riêng quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức và huyện Nhà Bè là 2 địa phương có nhiều vị trí sạt lở nhất với 8 điểm nguy hiểm. Ghi nhận từ đầu mùa mưa, các khu vực dân cư xung quanh 2 bờ tiếp giáp với cầu Giồng Ông Tố thuộc các phường Bình Trưng Tây và An Phú (TP Thủ Đức) có 2 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TPHCM cho biết, mùa mưa năm nay thành phố còn 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm tồn đọng từ các năm trước cho đến nay. Trong số này, 8 vị trí đặc biệt nguy hiểm và 24 vị trí nguy hiểm được thành phố cảnh báo có thể gây ảnh hưởng đến khoảng 1.328 hộ dân trong vùng ảnh hưởng của sạt lở.
Ngay đầu mùa mưa, Sở GTVT TPHCM đã phối hợp với Trung tâm Quản lý Đường thủy, UBND quận Bình Thạnh kiểm tra sự cố sạt lở xảy ra ở khu vực kênh Thanh Đa (thuộc phường 25) và một số vị trí sạt lở nguy hiểm trên địa bàn.
Sau khảo sát, kiểm tra, Sở GTVT TPHCM đưa ra đề xuất UBND thành phố trình HĐND thông qua chủ trương đầu tư 3 dự án xây kè chống sạt lở, bao gồm: Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ phải sông Sài Gòn (phường 25, quận Bình Thạnh); Dự án nạo vét luồng, xây dựng kè bảo vệ bờ sông Chợ Đệm - Bến Lức (huyện Bình Chánh) và Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ phải sông Cần Giuộc (huyện Bình Chánh). Đây là các vị trí trọng yếu có nguy cơ sạt lở rất cao trong mùa mưa bão năm nay.
Hiện nay, TPHCM đã lập dự án đối với 25/32 vị trí sạt lở để xây dựng kè với tổng mức đầu tư lên đến hơn 3.700 tỷ đồng. Dù vậy, tiến độ triển khai các dự án quá chậm hoặc đang bị “treo” do vướng pháp lý hoặc tiến độ giải phóng mặt bằng. Nhiều vị trí cho đến nay cũng chưa có chủ trương đầu tư dự án đê kè khiến người dân tại các khu vực sạt lở rất lo lắng vào mỗi mùa mưa.
Trước tình trạng này, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ mới đây đã có buổi giám sát việc thực hiện công tác đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đối với Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM. Kết luận buổi giám sát, bà Lệ đã yêu cầu tập trung giải quyết các dự án thoát nước trước tình trạng thành phố còn rất nhiều điểm ngập nhưng dự án thi công dàn trải, kéo dài và cũng được triển khai quá ít so với nhu cầu.
Theo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM, hiện nay thành phố đang tiếp tục triển khai thực hiện và dự kiến hoàn thành trong năm 2023 đối với 9 dự án thoát nước, trong đó dự kiến bổ sung hơn 14km cống vào hệ thống thoát nước chung của thành phố.
Ông Trần Nhân Nghĩa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM cho biết, hiện nay có 23/32 vị trí có chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở. Các chủ đầu tư đang được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định để UBND TPHCM phê duyệt và sớm triển khai thi công các dự án kè phòng, chống sạt lở. Đối với các dự án đang bồi thường giải phóng mặt bằng cần đẩy nhanh tiến độ trong thời gian ngắn nhất để sớm bàn giao mặt bằng phục vụ các dự án kè chống sạt lở trên địa bàn thành phố.