Trong nhiều năm trở lại đây, hàng nghìn người dân ở xã Tượng Văn, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) luôn phải sống trong tình trạng thiếu nước sạch do nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nghiêm trọng. Để có nước sinh hoạt, họ phải mua nước sạch từ nơi khác vận chuyển tới với giá cao, làm bể lớn chứa nước mưa.
Bế tắc nguồn nước sinh hoạt
Có thể nói, chưa bao giờ người dân Tượng Văn “khát” nước sạch như hiện nay. Trong khi đó, một dự án nước sạch với quy mô cung cấp nước cho 13 xã (có hoàn cảnh tương tự như Tượng Văn) trên địa bàn huyện Nông Cống được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt từ cuối năm 2018, đến nay vẫn đang được chủ đầu tư… “đắp chiếu” không rõ nguyên nhân.
Những ngày này, cả xã Tượng Văn im lìm, héo rũ dưới cái nóng hầm hập, có ngày lên đến 40oC. Khi chúng tôi đến cũng là lúc chiếc xe ba gác của anh Vũ Tiến Long - trú tại xã Tượng Lĩnh ì ạch chở chiếc bồn chứa nước sạch có dung tích 1m3 rẽ vào cổng Trường Mầm non Tượng Văn. Từ nhiều con ngõ, người dân nháo nhác với nhiều câu hỏi mang tính khẩn thiết pha lẫn bức xúc, đại loại: Đến lượt nhà tôi được cấp chưa? Nước của nhà tôi đâu?...
Vừa hối hả lắp đường ống bơm từ bồn lên bể chứa của nhà trường, vừa đưa tay quệt những giọt mồ hôi đang chảy thành dòng trên khuôn mặt đen xạm, anh Long cho biết: Trường Mầm non Tượng Văn có gần 300 cháu. Để phục vụ cho nhu cầu nước uống, ăn bán trú của các cháu, mỗi ngày nhà trường phải mua từ 3 đến 4 khối nước sạch với giá 90 nghìn đồng một khối. Tính trung bình mỗi tháng nhà trường phải chi từ 6 đến 8 triệu đồng để mua nước sạch…
Anh Long cho biết thêm: Công việc chuyên chở, cung cấp nước sạch cho người dân xã Tượng Văn của gia đình anh đã bắt đầu từ nhiều năm trở lại đây. Mỗi ngày anh phải đi lại trên quãng đường dài hơn 5km, nối từ xã Tượng Lĩnh -Tượng Văn hàng chục lần để chuyên chở nước cho bà con tại Tượng Văn. Mỗi khối nước, người dân tại xã Tượng Văn mua với giá khá chát là từ 80 – 100 nghìn đồng, tùy vào thời tiết.
“Nguồn nước ngầm ở đây bị ô nhiễm rất nặng. Độ pH mà chúng tôi đo được đạt ngưỡng hơn 900 %, trong khi đó ngưỡng cho phép trong nước sinh hoạt hàng ngày chỉ dưới 10%”- anh Long cho biết thêm.
Tìm hiểu thêm từ phía người dân, được biết: Đã nhiều năm nay, hàng nghìn hộ dân trong xã Tượng Văn đều phải mua nước sạch với mức giá cao để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu. Nhiều nhà do hoàn cảnh khó khăn đã buộc phải vay tiền xây bể chứa, trữ nước mưa hoặc phải sử dụng nước không đảm bảo khác như: Nước sông, nước giếng khoan… Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài suốt cả tháng nay, những nguồn nước trên cũng đều cạn kiệt…
Ông Lê Anh Thế - Phó Chủ tịch UBND xã Tượng Văn, cho biết: Từ khoảng năm 2010 trở đến nay, nguồn nước ngầm ở đây bị nhiễm mặn, sắt, phèn rất nặng không thể sử dụng. Nước bơm lên nếu không qua lắng lọc mà đem tưới cây ngay, chỉ sau một đêm là cây héo úa rồi chết. Các loại đồ gia dụng như đồ điện, máy bơm, đồ sinh hoạt rất nhanh hỏng, quần áo sáng màu nhanh chóng ngả vàng chỉ sau 1 lần giặt. Đặc biệt, nhiều hộ bỏ tiền mua máy giặt nhưng đều phải “xếp xó”.
“Chúng tôi đã nhiều lần làm tờ trình, kiến nghị lên cấp trên, mong muốn sớm có nguồn nước sạch để cho bà con sử dụng nhưng kêu mà không thấu. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài, nói không quá thì người dân Tượng Văn chúng tôi chết khát!”- ông Thế không giấu được sự mệt mỏi của mình.
Mong dự án sớm được triển khai
Hiện tại, không chỉ Tượng Văn mà có tới 13 xã khác, với hơn 70.000 dân của huyện Nông Cống cũng đang nằm trong tình trạng “khát” nước sạch tương tự. Để giải quyết vấn đề trên, cuối năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy nước Thăng Thọ để cấp nước cho số xã nói trên, trong đó có xã Tượng Văn.
Dự án được Công ty Môi trường xanh (có trụ sở đóng tại Hà Nội) thực hiện và theo kế hoạch, dự án sẽ được khởi công vào cuối năm 2018 và hoàn thành đi vào hoạt động cuối 2019. Tuy nhiên, sau 2 năm được phê duyệt, đến nay dự án xây dựng nhà máy nước Thăng Thọ vẫn chỉ là vùng đất bị đào nham nhở rồi bỏ hoang.
Vì sao một dự án mang tính cấp thiết được phê duyệt từ 2 năm trước đến nay vẫn chỉ “dậm chân tại chỗ?!”.Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết: Vì là dự án của tỉnh chấp thuận và phê duyệt nên huyện chỉ có mỗi nhiệm vụ giải phóng và bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư tiến hành thi công, còn lại lý do vì sao đến nay dự án vẫn chưa được thực hiện thì huyện cũng… bó tay.
Ông Tuấn khẳng định: “Cuối năm 2019 sang đầu năm 2020, huyện đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao cho chủ đầu tư. Họ đã nhiều lần vào làm việc và hứa sẽ sớm bắt tay vào xây dựng ở nhiều thời điểm khác nhau, nhưng không hiểu vì sao đến nay vẫn chưa thực hiện”.