Được đầu tư xây dựng từ 2004, với tổng nguồn vốn lên đến hơn 4 tỷ đồng, công trình nước sạch xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) có nhiệm vụ cung cấp nước sạch cho 1.500 hộ tại địa phương. Tuy nhiên, hơn 15 năm sau, hệ thống cấp nước sạch tại đây đã không còn phù hợp.
Người dân xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) đang “khát” nước sạch.
Khốn khổ vì thiếu nước
Cụ Đinh Quý Côn (81 tuổi), trú tại thôn Hệ, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư cho biết: Đã hơn 3 năm trở lại đây, hầu hết người dân thôn Hệ đã không còn được dùng nước sạch từ hệ thống cung cấp nước của xã. Không có nước sạch để sinh hoạt, người dân đã phải mua nước được vận chuyển từ thị xã Tam Điệp ra. Để mua được khoảng 4 khối nước từ chiếc xe bồn tự tạo rỉ sét, người dân đã phải chấp nhận mức giá khá “chát” là 60 nghìn đồng. Nếu một gia đình bốn khẩu dùng tiết kiệm cũng được chừng 3 - 4 ngày. Nhiều hộ vì xót tiền mua nước đã phải tự khoan giếng, khơi lại giếng cũ để lấy nước sinh hoạt, cho dù nguồn nước ngầm ở đây đã bị nhiễm can xi khá nặng.
“Mùa hè oi bức, muốn tắm giặt người dân cũng phải hết sức dè xẻn. Tất cả các loại nước thải từ vo gạo, rửa rau... đều được giữ lại để dội toa lét và dùng để tưới cây. Sống ở nông thôn mà chả khác nào ở giữa lòng thành phố bị cúp nước dài ngày. Nếu tình trạng thiếu nước sạch còn kéo dài thêm nữa, chắc chắn cử tri của thôn không chỉ dừng lại ở việc có ý kiến kiến nghị ở cấp xã mà sẽ lên tỉnh để hỏi cho ra nhẽ!” – cụ Côn bức xúc nói.
Rời thôn Hệ, chúng tôi đến thôn Vũ Xá – một trong những thôn đã “khát” nước sạch trong suốt nhiều năm qua của Ninh Vân. Ông Lã Huy An – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn ngao ngán cho biết: Toàn thôn hiện có 254 hộ với 848 khẩu nhưng có đến hơn 70% trong số này từ lâu đã không có nước sạch để sử dụng. Đặc biệt là từ đầu năm 2019 đến nay, tình trạng nước sạch bị cắt hoàn toàn đã khiến đời sống của người dân trong thôn gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông An, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nói trên là do hệ thống cấp nước cũ đã không còn phù hợp, không đủ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Thêm vào đó, khi xã tiến hành thi công tuyến đường dân cư cống Tu, xe máy công trình đã làm bẹp đường ống dẫn.
Tìm hiểu thêm từ phía người dân, được biết: Để phục vụ cho nhu cầu dân sinh bức thiết của xã Ninh Vân, năm 2004, UBND tỉnh Ninh Bình đã ra quyết định phê duyệt dự án công trình trạm cung cấp nước sạch xã Ninh Vân, với tổng kinh phí dự toán lên đến hơn 4,6 tỷ đồng. Trong đó vốn do tổ chức phi chính phủ hỗ trợ là hơn 1 tỷ đồng, nguồn vốn chương trình mục tiêu hơn 900 triệu đồng, vốn ngân sách xã là 757 triệu đồng, còn lại là người dân phải đóng góp. Quy mô công trình bao gồm: Hệ thống thu và trạm bơm cấp 1, bể lọc nhanh công suất 40m3/giờ, bể chứa nước sạch dung tích 120m3 và bể chứa nước đặt trên núi chùa Xuân Vũ dung tích 45m3. Công trình đi vào hoạt động sẽ cung cấp nước sinh hoạt cho 1.500 hộ/7.500 nhân khẩu của xã.
Tuy nhiên hơn 10 năm sau, dân số của xã đã tăng nhanh từ 7.500 khẩu lên 11.735 khẩu. Thêm vào đó xã đang tiến hành xây dựng cụm công nghiệp làng nghề đá mĩ nghệ với hàng chục doanh nghiệp hoạt động, 3 nhà trường với hơn 2.000 học sinh… chính vì sự phát sinh này đã khiến hệ thống cấp nước cũ không thể cung cấp đủ nước cho người dân.
Loay hoay chờ… tỉnh
Ông Phạm Kim Thành – Chủ tịch MTTQ xã Ninh Vân cho biết: Hiện nay toàn xã có đến 70% người dân thiếu nước sạch để sinh hoạt. Sau khi người dân có kiến nghị, từ năm 2017 đến nay đã có 3 công ty về làm việc với xã, xin được đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo lại hệ thống nước sạch của địa phương. Đầu tiên là Công ty Trường Lộc, có trụ sở đóng tại thị xã Tam Điệp, sau đó là Công ty Hoàng Bình Minh xin được xây dựng mới lại toàn bộ hệ thống cấp nước, với công suất phục vụ trên 10.000 hộ dân và nhân dân phải đóng góp đối ứng là 2,5 triệu đồng/hộ. Đến năm 2019, Công ty cấp thoát nước Ninh Bình cũng có công văn và phương án cụ thể cấp nước cho Ninh Vân. Theo phương án và tính toán của công ty này thì họ sẽ xây dựng mới tuyến cấp nước, nối từ TP Ninh Bình về đến xã và mỗi hộ dân phải đóng góp 3,5 triệu đồng. Trước ý kiến của các công ty, Đảng ủy, UBND xã đã thông báo về các thôn và xin ý kiến của người dân.
Sau khi họp bàn, hầu hết các ý kiến đều đồng ý bàn giao lại công trình cấp nước cũ lại cho HĐND, UBND tỉnh quyết định. Mặc dù nhất trí bàn giao lại cho UBND tỉnh xử lý, nhưng bà con chỉ đồng ý phương án làm mới chứ không thể cải tạo hay sửa chữa vì công trình đã lâu và không còn đủ năng lực phục vụ.