Hàng năm, cứ đến gần Tết là người nông dân vui vì sản phẩm được tiêu thụ sẽ có giá cao hơn. Nhưng năm nay do dịch bệnh, giá nông sản giảm sâu, bà con nông dân lại lâm cảnh được mùa nhưng mất giá.
Với tỉnh Long An, việc tiêu thụ khoảng gần 18.000 tấn thanh long vào vụ thu hoạch từ nay đến Tết Nguyên đán là cả một bài toán hóc búa dù đã kêu gọi “giải cứu”.
Nguyên nhân là bởi dù đầu ra sản phẩm thiếu ổn định nhưng nhiều hộ nông dân vẫn sản xuất thanh long theo phương pháp truyền thống nên chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu thị trường. Sản phẩm thanh long chủ yếu vẫn phụ thuộc vào một thị trường đó là Trung Quốc và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Chính vì bán theo phương thức này nên đến nay, trái thanh long vẫn chịu tác động nhiều bởi thị trường.
Còn tại Gia Lai, những người trồng dưa hấu vụ Tết năm nay đang trong cảnh thấp thỏm khi đã đến kỳ thu hoạch nhưng không có thương hái đến thu mua. Tại xã Ia Lâu (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) có khoảng 60 ha dưa đã chín nhưng thương lái vẫn “bặt vô âm tín”. Ông Nguyễn Văn Tính, một nông dân ở xã Ia Lâu cho biết, đã đầu tư hơn 200 triệu đồng cho vụ dưa này, nếu để ruộng dưa chín hết, không có ai đến mua thì coi như mất trắng, hy vọng về cái Tết ấm đang dần… nguội lạnh.
Có ý kiến nêu vấn đề: Miền Trung là thủ phủ trồng dưa và thường xuyên phải giải cứu, tại sao người dân ở Gia Lai vẫn trồng dưa? Nói như vậy để thấy, vai trò của chính quyền địa phương chưa được thể hiện, khi chưa quan tâm, khuyến cáo người dân tránh tình trạng trồng theo phong trào, thay vào đó phải trồng cái gì thị trường cần.
Tư duy canh tác sản xuất manh mún, tự phát theo phong trào đang khiến cho người nông dân không thể có một thu nhập ổn định với những sản phẩm hàng nông sản do mình làm ra. Để giải bài toán tiêu thụ nông sản, người nông dân cần thay đổi tư duy, tập trung sản xuất, trồng những sản phẩm mà thị trường cần, còn như hiện nay bà con nông dân vẫn đang tập trung sản xuất theo phong trào, có gì cung ứng đấy.