Nông dân khóc dở mếu dở vì cây dưa

Việt Cường - Phương Nguyên 12/05/2017 09:40

Hiện nay, nhiều diện tích trồng dưa lê, dưa hấu của nhiều xã thuộc các huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc, Thanh Miện, Ninh Giang của tỉnh Hải Dương xảy ra tình trạng cây dưa bị sâu bệnh, cho năng suất rất thấp, khiến cho nông dân các vùng trồng dưa khóc dở mếu dở.

Có mặt trên cánh đồng dưa hấu thôn An Quý, xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ, chúng tôi thấy một số nông dân đang cần mẫn, chăm chỉ tưới, chăm sóc để cây phát triển mong kịp thời vụ. Anh Phạm Hữu Tấn đang chăm sóc cho cánh đồng dưa của mình, cho biết: Vụ dưa năm nay, không hiểu vì sao mà các hộ trồng dưa ở đây đều gặp phải tình trạng cây trồng được 20 ngày đang lên xanh tốt, bỗng dưng thẫm lại héo dần và chết. Nhà tôi trồng gần 6 sào dưa hấu cũng đều bị như vậy và đã phải phá bỏ. Ruộng dưa này, tôi trồng lần 2, nhưng xem ra cũng chẳng khả quan, nhiều cây còi cọc không phát triển, có cây cũng đã biểu hiện héo rồi.

Anh Tấn nhẩm tính, gần 6 sào dưa phải trồng đi trồng lại thiệt hại gần 10 triệu đồng gồm toàn bộ chi phí hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật, ni lông, phân bón cho đợt dưa héo chết và chi phí gieo trồng lại và chăm sóc đến giờ. “Ở đây nhà nào cũng thiệt hại, có nhà gieo trồng lại đến lần thứ 3, thứ 4 rồi, có nhà diện tích hơn 2 mẫu dưa thiệt hại đến vài chục triệu đồng” - anh Tấn cho biết.

Xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) hiện có khoảng 50 ha dưa hấu Phù Đổng đang bị nhiễm chứng bệnh lạ với các biểu hiện: Cây trồng được 10 - 20 ngày không phát triển, lá chuyển màu xanh thẫm, héo dần rồi chết; dễ cây không phát triển mà vón thành cục (như kiểu ra củ) bằng đầu ngón tay.

Ông Bùi Hữu Thắng - Giám đốc HTX dịch vụ Nông nghiệp Nguyên Giáp xác nhận, có khoảng 30% diện tích dưa hấu trên địa bàn xã đã phải phá đi trồng lại lần 2, thậm chí lần 3 nhưng vẫn bị bệnh như vậy. Các diện tích còn lại đang trong thời kỳ phát triển thân, lá, được nông dân tích cực chăm sóc, sử dụng nhiều loại thuốc để phun trừ nhưng không khả quan.

Theo ông Thắng, rất có thể thời tiết mưa nắng thất thường đã tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển. Bên cạnh đó, việc nông dân ít luân canh đã làm đất bạc màu, mầm mống sâu bệnh tích tụ từ vụ này qua vụ khác. Với mỗi sào dưa hấu phải phá bỏ vì bệnh lạ, người trồng bị thiệt hại khoảng 1,5 triệu đồng, gồm chi phí mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu, ni lông…

Không chỉ diện tích dưa hấu bị bệnh, chết mà các loại dưa khác như dưa lê cũng trong tình trạng tương tự. Được biết xã Ngọc Kỳ (cũng thuộc huyện Tứ Kỳ) có gần 10 ha dưa lê thì có tới 50 - 60% diện tích bị chết. Trong đó thôn Tứ Kỳ Thượng nhiều diện tích dưa lê bị héo, úa và chết gần hết. Gia đình anh Phạm Quang Văn ở thôn Tứ Kỳ Thượng, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) trồng 5 sào dưa lê, đến nay một nửa diện tích đã chết. “Năm ngoái mỗi sào dưa lê, tôi thu được hơn 7 tạ, năm nay chắc chỉ còn vài chục kg/sào. Cứ đà này mất cả công lẫn vốn” - anh Văn tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Khuông- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tứ Kỳ cho biết, toàn huyện trồng 296 ha dưa hấu, 103 ha dưa lê, trong đó có khoảng 50 – 70% diện tích dưa hấu, dưa lê bị các bệnh thán thư, sương mai. Hầu hết bị nhiễm ở giai đoạn phát triển thân, lá. Nhiều ruộng đến kỳ thu hoạch bị mất trắng.

Theo Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Hải Dương, vụ dưa này toàn tỉnh trồng hơn 390 ha dưa lê, trong đó có huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ trồng nhiều nhất. Qua kiểm tra cho thấy cây dưa lê chết do nhiễm nhiều loại nấm gây thắt gốc, chết dây, các bệnh nứt thân chảy mủ, phấn trắng, giả sương mai, bọ phấn, bọ trĩ… Thời tiết năm nay phức tạp, nóng lạnh bất thường đã tạo điều kiện cho nhiều loại sâu bệnh phát triển gây hại cho cây dưa.

Hiện nay, ngành chức năng của các địa phương này cũng đã có những khuyến cáo, hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để hạn chế diện tích dưa bị chết và các diện tích dưa đã được gieo trồng lại sẽ phát triển tốt để cứu vãn vụ dưa này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân khóc dở mếu dở vì cây dưa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO