Nông nghiệp thiếu hụt nhân lực chất lượng cao

QUỐC ĐỊNH 22/08/2023 06:30

Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó khó khăn lớn nhất là thiếu hụt lao động tay nghề cao. Đặc biệt, lao động ở lĩnh vực nông - lâm - thủy sản.

Ngành nông nghiệp hướng tới đào tạo nhân lực có tay nghề cao.

Lao động giản đơn chiếm tỷ lệ lớn

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) ở giai đoạn 2011 - 2020, lao động lĩnh vực - nông - lâm - thủy sản của vùng Đông Nam Bộ, giảm từ hơn 1,2 triệu người năm 2011 còn 778 nghìn năm 2020, mỗi năm giảm trung bình gần 47 nghìn người. Trong khi đó, vùng ĐBSCL, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã giảm từ hơn 10 triệu người xuống gần 9,4 triệu người, trung bình mỗi năm giảm gần 7.300 nghìn người.

Nêu nguyên nhân của sự sụt giảm này, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, là do lao động đã di cư ra khỏi vùng để tìm kiếm việc làm ở các khu công nghiệp, đô thị của các vùng khác. Lãnh đạo Bộ NNPTNT đánh giá, chất lượng của lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản rất hạn chế. Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp nghề trở lên trong ngành chiếm tỷ lệ thấp, chỉ là 7,4% đối với vùng Đông Nam Bộ và trên 2,2% đối với vùng ĐBSCL. Phần lớn lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong vùng vẫn còn là lao động phổ thông, giản đơn, lao động làm việc theo kinh nghiệm, thời vụ, thiếu lao động có tay nghề cao.

“Lao động chưa được công nhận có kỹ năng nghề quốc gia còn chiếm tỷ lệ lớn. Nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường không kiếm được việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo, do chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng” - ông Hoan cho hay.

Một con số thống kê cho thấy, ngày nay sinh viên đăng ký học ngành nông nghiệp rất thấp, sau khi hoàn thành khóa học những kiến thức trên giảng đường được áp dụng trong công việc cũng hạn chế. Lý giải thực tế này, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM (FFA) Lý Kim Chi cho rằng, là do lâu nay người học có suy nghĩ làm nông nghiệp thường bấp bênh, vất vả, thu nhập thấp nên ngày càng ít người theo học ngành nông nghiệp.

Chú trọng nâng chất

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đánh giá, chúng ta đang theo hướng từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp số, hiện đại; trong đó hướng mạnh đến giá trị gia tăng cao hơn từ chính sản phẩm đó nên tư duy về sản lượng và giá trị cần phải định hình lại cho phù hợp để hành động. Muốn vậy việc đào tạo nhân lực làm sao để đáp ứng được nhu cầu là rất cần thiết. Theo ông Hoan, bên cạnh việc đào tạo nhận lực để cung ứng cho doanh nghiệp, cần hướng mạnh vào đào tạo nhân lực để làm chủ như chủ trang trại, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh... để họ sẵn sàng để làm chủ nền nông nghiệp nước nhà.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng không thể để cơ quan, hay cơ sở Nhà nước thực hiện mà cần xã hội hoá, phối hợp với doanh nghiệp để thực hiện. Bởi chính doanh nghiệp mới có đủ hạ tầng như xưởng sản xuất, kho, bãi, phòng thí nghiệm, giao thương thực tế… đặc biệt là yếu tố thực tiễn để giúp người học lĩnh hội được kiến thức phục vụ ngành.

Nhìn nhận ở góc độ đào tạo, GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đánh giá, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong nước và quốc tế, là bước đi mang tính mở đường để xây dựng và phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng là hướng đi đúng đắn. Bà Lan mong muốn, đổi mới chương trình, hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng đào tạo, sao cho sinh viên ra trường có thể đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, có thể làm việc được ngay là cần thiết tránh lãng phí nguồn lực của xã hội.

“Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vừa phải đáp ứng yêu cầu phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp vừa phải coi trọng những giải pháp lâu dài để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý đầu ngành đáp ứng yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hiện đại và xây dựng nông thôn mới” - bà Lan nêu quan điểm.

Nhằm triển khai về đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, Bộ NNPTNT phấn đấu đến năm 2030 đạt bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn trên cả nước; tương đương với 70% tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên. Các cơ sở đào tạo thuộc Bộ tuyển sinh bình quân hàng năm: 200 nghiên cứu sinh, 2.500 học viên cao học, 20 nghìn sinh viên đại học...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông nghiệp thiếu hụt nhân lực chất lượng cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO