Tại hội thảo “Đẩy mạnh thương mại hóa nông sản và thực phẩm trong bối cảnh hậu đại dịch, suy thoái kinh tế toàn cầu”, diễn ra chiều ngày 19/10 tại TP Hồ Chí Minh, ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM chia sẻ, hàng Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều tại các siêu thị lớn thuộc các hệ thống phân phối hiện đại ở nước ngoài. Hiện nay đại diện các tập đoàn phân phối lớn trên thế giới đang có mặt ở Việt Nam như Walmart, Central Group, Aeon, Lotte, Decathlon,… sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa ở Việt Nam tìm kiếm cơ hội xuất khẩu những sản phẩm gốc Việt vào hệ thống phân phối của họ với những tiêu chuẩn tuyển chọn hàng hóa khắt khe về chất lượng, số lượng, giá cả, phản ứng của người tiêu dùng…
Ông Lữ cho rằng, bên cạnh xuất khẩu hàng hóa qua kênh phân phối hiện đại, các sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt đã có mặt tại nhiều nước của các khu vực thị trường thế giới. Điển hình như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Pháp, Anh, Mỹ... và một số thị trường các quốc gia châu Phi.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản trong 9 tháng đạt khoảng 74,7 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước tăng 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có kinh nghiệm trong xuất khẩu hàng hóa đi các nước, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch Công ty xuất khẩu trái cây Vina T&T cho biết, muốn xuất khẩu đi các thị trường khó tính các lô hàng thương mại phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật; hàng hóa cần thông qua đơn vị kiểm định của hai nước. Cụ thể, với thị trường châu Âu phải có chứng nhận GlobalG.A.P., chứng nhận môi trường SMETA, ISO hay HACCP... Đối với vấn đề tồn dư bảo vệ thực vật cấm, có những chất ở Nhật Bản, Mỹ, Úc không cấm nhưng châu Âu lại cấm. Vì vậy, các DN xuất khẩu vào các thị trường trên phải hết sức chú ý.
“Muốn đạt hiệu quả trong đẩy mạnh thương mại hóa nông sản và thực phẩm thì ngoài chất lượng, các thị trường nhập khẩu đều yêu cầu chứng chỉ riêng. Chứng chỉ không phải tờ giấy mà là việc kiện toàn sản xuất, bao bì, nhãn mác” - bà Mai Thị Hồng - Điều phối viên Hiệp hội hợp tác kinh doanh nông nghiệp Hà Lan - Việt Nam cho biết. Theo bà Hồng, có rất nhiều yêu cầu buộc DN phải nghiên cứu kỹ khi xuất khẩu; phải xem năng lực của mình đến đâu vì xuất khẩu thì đường rất xa và chi phí nhiều vì vậy phải tìm hiểu kỹ thị trường. Bà Hồng cũng thông tin về tình hình nhập khẩu của châu Âu cho DN. Theo đó 1/4 hàng nhập khẩu của châu Âu từ các nước đang phát triển là trái cây đóng hộp. Tiếp theo là măng tây đóng hộp và nhiều loại rau quả khác, mỗi loại 10%, dứa (9%), ô liu (7%),...
Thực phẩm là một trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm của TPHCM. Hiện ngành này chiếm 13,78% giá trị sản xuất, đóng góp 13,69% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp của TPHCM. Tuy nhiên, dưới tác động nặng nề của dịch Covid-19, ngành chế biến lương thực, thực phẩm thành phố đã gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể là sự đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, hệ thống phân phối bị gián đoạn cho đến logistics, hậu cần và nhân lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Nhằm “thúc” ngành chế biến lương thực, thực phẩm tiếp tục phát triển và giữ vững vai trò là một ngành sản xuất chủ lực, thành phố có chương trình hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm ngành chế biến lương thực, thực phẩm thành phố giai đoạn 2020-2030”, ông Bùi Xuân Cường - Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết.