Càng ngày, các thị trường nhập khẩu càng trở nên “khó tính” hơn, đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao hơn. Ngay cả một thị trường từng rất “dễ tính” như Trung Quốc giờ đây cũng đã đưa ra những quy chuẩn khắt khe nhằm “sàng lọc” sản phẩm nhập khẩu, do đó, nông sản Việt xuất khẩu cần phải nâng tầm cả về chất lượng cũng như mẫu mã để không đánh mất thị trường.
Không còn thị trường “dễ tính”
Nông sản xuất khẩu vẫn luôn là một trong những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là kể từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, việc xuất khẩu nông sản trở nên khó khăn hơn, các thị trường gia tăng chính sách thắt chặt, kiểm duyệt một cách khắt khe hơn... nên việc xuất khẩu nông sản đối diện với nhiều rào cản hơn.
Điều này đòi hỏi doanh nghiệp (DN) ngành nông sản cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc, hướng đến sản phẩm xanh... để có thể giữ chân được thị trường xuất khẩu.
Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu các sản phẩm nông sản của Việt Nam, đây cũng từng được coi là thị trường dễ tính khi hàng hóa của ta, nhất là nông sản vào thị trường này không gặp nhiều khó khăn.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm nay, thị phần rau quả Việt Nam tại Trung Quốc giảm sâu, đây là tín hiệu dự báo xuất khẩu rau quả sang thị trường này sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới. Cụ thể, số liệu của Hiệp hội cho hay, trong 5 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,4 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, việc Trung Quốc ban hành chính sách “Zero Covid” đã tác động một cách rõ nét đến kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng rau quả nước nhà. Mặc dù, thị trường này có khả năng sẽ gỡ bỏ chính sách “Zero Covid” trong thời gian từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023. Song, theo ông Nguyên, ở thời điểm hiện tại, xuất khẩu rau quả nói riêng, các mặt hàng nông sản nói chung vào thị trường Trung Quốc vẫn sẽ đối diện nhiều khó khăn.
“Thời gian tới, nếu Trung Quốc không còn duy trì chính sách “Zero Covid”, Việt Nam sẽ có khả năng cạnh tranh rất tốt ngay cả với các nước trong khu vực. Để gia tăng thị phần tại thị trường này, các mặt hàng của Việt Nam cần cải thiện chất lượng” - ông Nguyên nói và khẳng định, Trung Quốc vẫn luôn là thị trường quan trọng đối với ngành hàng rau quả nước nhà.
Nói về thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng thừa nhận, đây vẫn là một thị trường lớn, tiềm năng. Hiện Trung Quốc đưa ra tiêu chuẩn hàng hóa rất cao, tuy nhiên, thực tế với tập quán sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, chưa bảo đảm tiêu chuẩn thì việc này rất khó đối với chúng ta.
Cũng nhấn mạnh rằng, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính khi đưa ra nhiều quy chuẩn cao hơn, khắt khe hơn, bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu nêu rõ: Thị trường Trung Quốc đã có nhiều thay đổi.
Và trước những thay đổi từ thị trường này, bà Vy khuyến cáo, các địa phương cần phải lan tỏa đến nông dân, làm sao để thay đổi thói quen, tập quán canh tác lạc hậu của bà con nông dân, như vậy mới có thể đẩy mạnh được tiêu thụ nông sản. Còn nếu bà con vẫn tư duy canh tác cũ, theo tập quán cũ, thì câu chuyện về tiêu thụ sẽ vẫn tiếp tục gặp khó trong thời gian tới.
Nâng chất lượng để nâng sức cạnh tranh
Thời gian qua, vấn đề xuất khẩu tiểu ngạch - một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu biên giới đã đặt ra yêu cầu cần phải sớm chuyển đổi sang phương thức xuất khẩu chính ngạch. Theo giới chuyên gia, cần phải đẩy nhanh, đẩy mạnh việc xuất khẩu chính ngạch, dần loại bỏ xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, như vậy sẽ giải quyết được thực trạng ùn tắc nông sản tại cửa khẩu biên giới mà cứ “đến hẹn lại lên”.
Cứ được mùa là nông sản lại ùn tắc, lại rớt giá. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đây là vấn đề lớn và cần thời gian dài mới có thể tháo gỡ. Ông Bình cho rằng, mỗi phương thức hoạt động, mỗi phương thức kinh doanh tiểu ngạch, chính ngạch có đối tượng riêng.
“Nếu chúng ta bỏ tiểu ngạch, chuyển hết tiểu ngạch sang chính ngạch sẽ là một vấn đề. Chính ngạch có khách hàng của chính ngạch, có vị trí, địa điểm nhận hàng, phương thức thanh toán rồi các DN tiếp cận với thị trường chính ngạch rất khó khăn” – ông Bình nói.
Có thể thấy, nông sản xuất khẩu của Việt Nam với thị trường Trung Quốc là chủ lực đã bộc lộ những khó khăn nhất định.
Hướng đến những thị trường xuất khẩu khác ngoài Trung Quốc là mục tiêu của nhiều DN xuất khẩu nông sản trong bối cảnh hiện nay. Là người có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm nông sản Việt, bà Ngô Tường Vy cho biết, qua các hội chợ quốc tế, điểm mà các DN Việt Nam nên học hỏi ở bạn bè các nước là tính tuân thủ, bảo vệ thương hiệu nông sản quốc gia.
Lấy ví dụ về sản phẩm sầu riêng, bà Vy cho rằng sản phẩm của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước. Tuy nhiên, DN của chúng ta cần phải có chiến lược nâng tầm thương hiệu để có thể giữ vững thị trường xuất khẩu, và có thể cạnh tranh được với những đối thủ mạnh.
“DN cần xây dựng được những đội, nhóm, đi đến từng vườn để kiểm tra chất lượng; tính toán được các chỉ số để cho ra sản phẩm có độ đồng đều, chất lượng cao nhất. Bên cạnh đó, cần giúp hợp tác xã, người sản xuất thay đổi tư duy theo hướng chú trọng sản xuất an toàn, chất lượng”- bà Vy nói.
Câu chuyện tiêu thụ nông sản, để nông sản có thể nâng chất, từ đó tiếp cận được các thị trường khó tính với những quy định khắt khe vẫn là một câu chuyện cần đặt ra một cách lâu dài. Không dễ để ngay lập tức các ngành hàng nông nghiệp có thể ứng phó linh hoạt và hiệu quả mọi biến động của thị trường.
Giới chuyên gia nhận định, điều chúng ta có thể chủ động được chính là sản xuất an toàn, chất lượng theo xu hướng chung nhất của toàn thế giới. Từ đó có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm phụ thuộc vào số ít thị trường truyền thống.