NSND Trần Bảng bừng sáng nhất ở vai trò đạo diễn các vở chèo cổ và chèo cách tân, trong đó, nổi bật nhất là vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính”, với quá trình 50 năm biến đổi thẩm mỹ, qua 3 lần đổi mới dàn dựng, nhằm đạt tới bản diễn thứ ba, hoàn chỉnh như viên ngọc không tì vết của sân khấu chèo Việt Nam.
Cầm tinh con Hổ - Bính Dần (1926) con trai Trần Tiêu, nhà văn hiện thực giai đoạn 1932 - 1945, đỗ tú tài Tây, mê đắm văn chương, kịch nghệ Tây, song Trần Bảng lại quyết theo sân khấu chèo truyền thống Việt Nam. Công lao lớn nhất của Trần Bảng là đã tạo lập dung dáng đặc sắc nhất cho chèo Việt, vừa đẹp dân dã, lại vừa văn minh, hiện đại.
Ông đã lần lượt đạt 3 thành tựu cơ bản nhất: Nghiên cứu bảo tồn, phát huy, và cách tân chèo. Cải biên chèo cổ, như “Quan Âm Thị Kính”, “Chu Mãi Thần”, “Kim Nham”…, tự viết và dựng kịch bản chèo mới, như “Đường đi đôi ngả”, “Tình rừng”, “Câu chuyện tình 80”, “Máu chúng ta đã chảy”…
Ông còn giỏi cả nghệ thuật quản lý, lãnh đạo nghệ sĩ chèo, không chỉ với vai trò Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam. Trong 3 vở chèo cổ do ông dàn dựng, Trần Bảng khẳng định “Quan Âm Thị Kính” khiến ông lao tâm khổ tứ nhất, cũng làm ông hài lòng nhất, như tự bạch: Với tôi, “Quan Âm Thị Kính” là một cổ vật đẹp nguyên vẹn mà giá trị mỹ học sân khấu của nó là vô giá.
Và một nét đẹp tạo thành cái vô giá ấy, chính là vẻ đẹp triết học mang sâu sắc triết lý nhà Phật, được Trần Bảng khám phá và hoàn chỉnh trong suốt quá trình dựng vở “Quan Âm Thị Kính”, với nửa thế kỷ thử nghiệm không ngừng về nghệ thuật đạo diễn chèo của riêng ông. Trần Bảng thú nhận, trong 3 vở chèo cổ ông mê thích: “Quan Âm Thị Kính”, “Kim Nham”, “Chu Mãi Thần”, thì “Quan Âm Thị Kính” chiếm vị trí số 1. Ông còn rất mê đắm cả 3 nhân vật nữ chính của 3 vở: Thị Kính, Súy Vân, Thiệt Thê. Lẽ dĩ nhiên, nhân vật Thị Kính được ông chăm chút nhất về nghệ thuật dàn dựng.
Ngay từ năm 50 của thế kỷ XX, đạo diễn Trần Bảng đã nhìn ra vẻ đẹp sân khấu tổng thể của tích chèo “Quan Âm Thị Kính”, với những lớp lang, bài bản còn nguyên giá trị văn chương và sân khấu cổ truyền. Năm 1956, tròn tuổi tam thập, Trần Bảng dựng “Quan Âm Thị Kính” lần đầu. Ngay lần đầu tiếp xúc, ông đã khắc khoải không dứt về hình tượng trò diễn.
Tích Quan Âm kể về nàng Thị Kính đẹp người, đẹp nết, vừa nên duyên chồng vợ với thư sinh Thiện Sĩ. Một đêm xuân ấm, nàng cắt sợi râu mọc ngược, làm đẹp cho chồng, bị mẹ chồng kết tội oan - giết chồng. Nàng giả trai đi tu, bị Thị Màu phải lòng, đổ tội thông dâm, khiến Thị Màu chửa hoang. Nàng bị nhà chùa đuổi. Thị Màu bị làng phạt vạ, đem con lên chùa trả “chú tiểu” Kính. Sau 3 năm hành khất nuôi con Thị Màu, Thị Kính kiệt sức chết, được hóa thành Đức Phật Quan Thế Âm. Về thông điệp, vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính” gửi trong Thị Kính hai nỗi oan lớn: Oan từ nhà (giết chồng) oan ra làng xã (làm Thị Màu chửa hoang, dù Thị Kính giả trai đi tu).
Lần dựng thứ nhất, năm 1956, tự nhận do tầm nghĩ hạn chế, Trần Bảng chưa thấu suốt ngay thông tin thẩm mỹ cốt lõi, nằm trong yếu tố Phật giáo đậm đặc trong tác phẩm. Ông chọn góc nhìn xã hội - lịch sử, nhắm đến đích lớn của vở diễn: Vạch trần tàn bạo, bất công của chế độ phong kiến Việt Nam.
Về nghệ thuật, lúc bấy giờ, do phụ trách việc phục hồi chèo cổ, Trần Bảng được tận mắt xem nghệ nhân xuất sắc thuộc “tứ chiếng” chèo vùng châu thổ sông Hồng, diễn những vai mẫu của vở “Quan Âm Thị Kính”. Song, vai Thị Màu độc đáo nhất, theo Trần Bảng, phải là nghệ sĩ Bạch Tuyết. Thị Màu của Bạch Tuyết vừa đa v đoan, đáo để, lẳng lơ, vừa thiết tha, khao khát cháy bỏng…
Là đạo diễn tinh tế, lần đầu dựng mô hình chèo cổ trên sân khấu “hộp”, không phải sân đình, Trần Bảng đặc biệt lưu ý đến cái để xem. Ông đã mời họa sĩ số 1 thời bấy giờ thiết kế mỹ thuật cho vở chèo: Nguyễn Đình Hàm, Sỹ Ngọc, Quang Phòng, đã dựng được một không gian rất chèo, thắm đượm chất trữ tình, với cây mận, cây đào ra hoa rực rỡ trên nền phông hậu đậm đà, rất ăn ý với nguyên tắc ước lệ của chèo cổ. Nhưng rực rỡ, bắt mắt nhất vẫn là trang phục của đào, kép chèo, do các họa sĩ này thiết kế, trên nguyên tắc dùng màu tươi nguyên thủy, gây ấn tượng cực mạnh cho khán giả chèo.
Trần Bảng tự gọi vở chèo đầu đời đạo diễn của mình là mô hình “Quan Âm Thị Kính 1956 - 1957”. Mô hình này đã được người trong nghề chèo và khán giả ruột của chèo đánh giá cao. Tuy nhiên, chính Trần Bảng thấy chưa hài lòng về hình tượng nhân vật xuyên suốt, vốn phải mang trọn vẹn thông điệp chính của vở - Thị Kính. Mang hai nỗi oan tày trời và cả sự hóa giải nỗi oan trong kết thúc có hậu cuối vở chèo, hình tượng Thị Kính liên quan đến triết lý thâm sâu của nhà Phật - triết lý về nỗi khổ và sự giải thoát.
Cũng vì tự giác ngộ, Trần Bảng phải dựng lại “Quan Âm Thị Kính” và di chuyển góc nhìn văn hóa đối với công việc dàn dựng. Trần Bảng đã biết rút kinh nghiệm từ lần thứ nhất. Ông tâm sự thành thật: “Thân phận Thị Kính được chú ý tới nhưng cũng chỉ được coi như một nạn nhân xã hội, một tính cách thụ động phải chịu hết oan trái này đến oan trái khác. Thị Kính trở thành hình tượng đầy chất bi thương”.
Như thế, nhân vật Thị Kính đã bị ép mỏng đến mờ nhạt trên sân khấu. Chính Trần Bảng đã thẳng thắn thừa nhận: Nhân vật Thị Kính, bị đạo diễn chỉ định diễn xuất “hòa cảm”, “thương cảm”, đẫm đầy nước mắt, thì sẽ bị nghèo đi sắc màu thẩm mỹ, hoặc đã bị để trống một vẻ đẹp nội tại: Vẻ đẹp chữ Tâm, chữ Nhẫn của tinh thần Phật giáo, theo cách hiểu dân gian: Ở hiền thì gặp lành, ở ác thì ác báo.
Cuộc vận động thẩm mỹ này, vì thế, vẫn tiếp tục diễn ra trong ý thức sáng tạo của chủ thể đạo diễn Trần Bảng. Theo tôi, đây mới thực là cái đáng giá nhất của Trần Bảng, trong ứng xử văn hóa với cổ vật chèo, với tư cách một đạo diễn.
Thừa nhận mô hình “Quan Âm Thị Kính 1968” thất bại, năm 1985, Trần Bảng quyết định quay về mô hình “Quan Âm Thị Kính 1956 - 1957”. Về xử lý không gian sân khấu, Trần Bảng quyết thực hiện ý đồ: Trả lại cho vở diễn không gian chiếu chèo sân đình, trong sự giao lưu thân mật với người xem và tạo lập không khí hội hè dân gian sống động vốn có của chèo cổ sân đình... Trần Bảng cũng phục dựng y nguyên màn giáo đầu rộn ràng của chèo cổ, để phục hồi (bảo toàn) không khí hội hè dân gian vốn có và ắt phải có của chèo sân đình.
Song, đó chưa phải là toàn bộ vận động thẩm mỹ trong dàn dựng “Quan Âm Thị Kính” của Trần Bảng lần thứ ba. Bởi ông vẫn tiếp tục hoàn thiện hình tượng nhân vật Thị Kính, theo ông vẫn chưa đạt đến sự phong phú và nhất quán về thẩm mỹ.
Đến đây, Trần Bảng đã mạch lạc trình bày sự bừng ngộ của ý tưởng sáng tạo, trong ánh sáng triết học Phật giáo. Trần Bảng từng viết rất tinh tế về sự bừng ngộ này, trong sách ra mắt ngay sau cuộc đối thoại: “Trần Bảng - Đạo diễn chèo”: “Đang trong nỗi băn khoăn về số phận Thị Kính, một hôm tôi đi vãn cảnh chùa Mía. Tôi đã phải dừng bước sững sờ trước một bức tượng Bồ tát Quan Thế Âm. Qua bức tượng, nét mặt của Thị Kính rạng lên ánh hào quang của tấm lòng từ bi hỉ xả, một đứa bé nằm trong lòng, tay chân quơ lên thơ ngây sống động. Tôi giật mình tỉnh ngộ”.
Thì ra đây mới chính là hình tượng trò diễn. Người nghệ nhân tạo hình xưa đã tài tình nắm bắt được chính xác hình tượng biểu trưng cho tích truyện nhà Phật này. Thực ra, Thị Kính không phải là phụ nữ mềm yếu, thụ động chịu oan trái cuộc đời. Thị Kính yêu cuộc sống, bị mẹ chồng đuổi khỏi nhà vẫn không buông bỏ đời mình mà đi tìm sự giải thoát nơi cửa Phật. Thị Kính ngộ ra “Đức Nhẫn” của đạo Phật, bắt nguồn từ tình yêu thương rộng lớn, mà người tu đạo có dũng khí vượt lên tất cả đau khổ của bản thân để cứu độ người đời.
Nó khác sự nhẫn nhục thụ động tiêu cực mà ta thường gán cho Thị Kính. “Đức Nhẫn” này biểu hiện rõ rệt nhất trong việc Thị Kính bồng bế con Thị Màu đi xin sữa giữa tiếng chửi rủa của dư luận xã hội. Sau ba năm nuôi đứa bé, Thị Kính kiệt sức mà chết. Vừa khi thấy được ý nghĩa trên thì hình tượng thứ hai của trò diễn liền xuất hiện trong đầu người đạo diễn. Từ đám bùn đen vươn lên một bông sen ngát hương. Bùn đen biểu tượng cho xã hội phong kiến suy đồi đầy rẫy tàn bạo bất công. Bông sen biểu tượng cho Thị Kính, đồng thời cũng là của đạo Phật.
Từ đây, Trần Bảng nói lời vĩnh biệt với một “Thị Kính sướt mướt buôn thảm trong suốt trò diễn". Trần Bảng đã vỡ lẽ về triết học nhà Phật thật sâu sắc, khi ông viết: “Nỗi đau tột cùng khi mất hết hạnh phúc gia đình đã khiến Thị Kính vào chùa giác ngộ nhanh chóng đạo lý nhà Phật. Nàng bình thản trở lại và đối xử với người đời bằng tấm lòng từ bi hỉ xả. Thị Kính không những không thù hận mà còn tự nguyện nuôi giọt máu rơi của Thị Màu thành con người. Thị Kính chịu đòn oan của làng và rời chùa ra ở mái tam quan, không một lời cầu xin than khóc".
Đây quả là suy tư quan trọng của tư duy đạo diễn chèo Trần Bảng, trong lần thứ 3 dàn dựng “Quan Âm Thị Kính”. Chính trong lần dựng thứ 3 này, vở diễn đạt tới vẻ đẹp mẫu mực của một vở chèo cổ - một cổ vật lành, đúng như ý nguyện đau đáu của Trần Bảng.
Như thế, bằng phương pháp tư duy chèo thuận tinh, thuận lý, và một trái tim say đắm, thủy chung như nhất với nghệ thuật chèo trong suốt nửa thế kỷ, với 3 lần dựng “Quan Âm Thị Kính”, đạo diễn Trần Bảng đã góp phần đáng kể trong công cuộc giữ giá, làm sáng giá, và treo cao giá ngọc cho nghệ thuật chèo Việt Nam.