23h00 ngày 31/1 (giờ London), những tiếng chuông của tháp đồng hồ Big Ben đã đánh dấu thời khắc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit. Trên khắp nước Anh là những cuộc ăn mừng lẫn sự nuối tiếc.
Những người ủng hộ Brexit ăn mừng nước Anh chính thức rời khỏi EU (Nguồn: France24).
Vào ngày mà Liên hiệp Vương quốc Anh (UK) chấm dứt 40 năm tư cách thành viên của EU, Thủ tướng Boris Johnson - người được xem là gương mặt của chiến dịch ủng hộ Brexit - ăn mừng chiến thắng một cách dè dặt. Điều này rất dễ hiểu, bởi nhiều người coi Brexit là một thắng lợi, phần còn lại coi nó là một vết thương sâu.
Khi Anh rời EU, sự thay đổi sẽ diễn ra chậm chạp chứ không phải tức thì. Phải đến cuối năm nay, Thủ tướng Anh mới bắt đầu các vòng đàm phán thỏa thuận thương mại mới và làm rõ mối quan hệ trong tương lai giữa đất nước ông với EU - một tiến trình mà EU từng ra sức cảnh báo rằng sẽ diễn ra không hề suôn sẻ.
Nhưng trong hôm 31/1, Thủ tướng Johnson - người đã đem cả danh tiếng lẫn sự nghiệp của mình ra đánh cược khi ủng hộ chiến dịch Rời khỏi (Leave) năm 2016 - sẽ tổ chức ăn mừng cuộc “ly hôn” cùng với đội ngũ của mình tại căn nhà Số 10 ở Phố Downing, đó là chưa kể những bữa tiệc tùng mà những người ủng hộ Brexit tổ chức tại thủ đô London.
Những nguời ủng hộ Brexit đã tụ tập ở nhiều địa điểm tại nước Anh để đếm ngược tới thời khắc Anh chính thức rời EU.
Tại quảng trường tòa nhà Hạ viện Anh, đám đông hàng nghìn người ủng hộ Brexit đã có mặt. Nigel Farage, chính trị gia lãnh đạo đảng Brexit, phát biểu trước đám đông tôn vinh Brexit như “dấu mốc không thể đảo ngược” và là chiến thắng “của người dân đánh bại giới tinh hoa chính trị”.
Khi tiến trình Brexit chính thức hoàn tất, những người giận dữ nhất, và có lẽ cũng nuối tiếc nhất, chính là các cử tri Anh đã bỏ phiếu ở lại với EU. Thủ đô London là một trong những khu vực có tỷ lệ phản đối Brexit và ủng hộ ở lại với EU cao nhất trên toàn nước Anh. Brexit được dự báo sẽ khiến hoạt động tài chính, ngân hàng của London thiệt hại nặng nề.
Thủ tướng Johnson được cho rằng trong thời gian tới đây sẽ cố gắng gạt sang một bên những cuộc tranh luận gay gắt về Brexit, thay vào đó tập trung vào việc thực thi cam kết giúp đỡ các cử tri ở những vùng sâu xa của nước Anh - cộng đồng cử tri đã giúp ông giành chiến thắng trong kỳ bầu cử tháng 12/2019. Một số người trong đội ngũ của ông còn nói đùa rằng, cụm từ “Brexit” sẽ bị cấm ngặt sau ngày thứ Sáu, 31/1/2020.
Sau nhiều năm tranh cãi chính trị gay gắt kể từ sự kiện trưng cầu dân ý hồi tháng 6/2016 liên quan tới việc rời khỏi EU, Thủ tướng Johnson đã giành chiến thắng áp đảo trong kỳ bầu cử tổ chức vào tháng 12 năm ngoái nhờ giành được sự ủng hộ của cộng đồng cử tri trước kia từng ủng hộ Công đảng đối lập chỉ với một thông điệp đơn giản: “Hoàn tất Brexit”.
Với thế đa số gồm 80 ghế trong Quốc hội, Thủ tướng Johnson giờ có thêm sự tự do để hoạch định chương trình nghị sự của nước Anh, hơn bất kỳ chính phủ nào của đảng Bảo thủ tính từ thời “bà đầm thép” Margaret Thatcher trong thập kỷ 80. Nhưng ông cũng kế thừa một đất nước đang chia rẽ sâu sắc do cuộc tranh luận về việc ra đi hay ở lại EU. Sự chia rẽ này đã thể hiện rõ hơn bao giờ hết, trong cộng đồng người dân, giữa những người bạn, cộng đồng người dân ở các thị trấn hay làng mạc...trong suốt 3 năm qua. Nhiều người trở nên không còn tin tưởng vào các chính trị gia.
Trong khoảng thời gian tới đây, ông Johnson sẽ tập trung tăng nguồn ngân sách cho các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực miền Bắc và trung tâm nước Anh, nơi mà hàng nghìn cử tri từng trung thành với Công đảng đối lập đã chuyển sang bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ trong kỳ bầu cử cuối năm ngoái.
“Công việc của chúng tôi với tư cách một chính phủ - cũng là công việc của tôi - là đoàn kết đất nước này và tiến về phía trước” - ông Johnson nói trong bài phát biểu đánh dấu Brexit -“Và điều quan trọng nhất tôi muốn nói vào đêm nay là, đây chưa phải kết thúc mà chỉ là sự khởi đầu. Đây là khoảnh khắc thay đổi và làm mới thực sự của đất nước”.
Khi tiến trình Brexit chính thức hoàn tất, những người giận dữ nhất, và có lẽ cũng nuối tiếc nhất, chính là các cử tri Anh đã bỏ phiếu ở lại với EU. Thủ đô London là một trong những khu vực có tỷ lệ phản đối Brexit và ủng hộ ở lại với EU cao nhất trên toàn nước Anh. Brexit được dự báo sẽ khiến hoạt động tài chính, ngân hàng của London thiệt hại nặng nề.