Nuôi chim trĩ

Văn Dân 05/03/2021 14:00

Một hộ gia đình ở huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) cho biết, nuôi hơn 100 con chim trĩ xanh thuần chủng nhưng mỗi năm có thể thu lãi trên 1 tỷ đồng từ việc bán con giống.

Nuôi chim trĩ kinh doanh nhưng thường lại bắt đầu từ sự thích thú, bởi đó là loài chim rất đẹp. Tuy nhiên, để tìm được giống chim trĩ xanh thuần chủng là cực khó bởi trên thị trường hầu hết là chim trĩ đã lai tạp, không phải giống chim thuần chủng. Người nuôi cầu kỳ thường phải tìm đến vùng núi Thanh Hóa, hay là lên Cao Bằng, Thái Nguyên, Điện Biên để lùng mua giống chim trĩ xanh thuần chủng.

Mỗi chuyến đi rất vất vả, tốn kém, lại kéo dài nhiều ngày nhưng may thì cũng chỉ mua được 2 đến 3 con. Còn thì nhiều lần “lùng” cả tuần cũng không mua được con nào. Mua được rồi, để chắc chắn, lại phải đem đến Viện Chăn nuôi nhờ phân tích mẫu gene để biết chính xác có phải là trĩ xanh “xịn” hay không.

Một người nuôi chim trĩ xanh ở Giao Thủy cho biết, phải mất 2 năm ròng săn tìm mới gom được 30 con trĩ xanh thuần chủng.

Có chim trĩ xanh thuần chủng rồi, thì lại phải học cách nuôi chúng, nhất là khi chim mái đẻ phải hết sức cẩn thận vì mỗi quả trứng đều đáng giá để ấp nở trĩ con. Từ khi bắt đầu nuôi, chim đẻ trứng cho dến khi nhân lên một đàn chừng trăm con, cũng mất mấy năm trời. Nhưng sau đó thì người nuôi thu lãi lớn vì chim trĩ con bán giá rất cao: Khoảng trên dưới 1 tuổi bán khoảng 200 trăn ngàn đồng 1 con, tùy vào con trống hay mái và cũng còn theo mục đích của người mua. Không chỉ bán con giống, trĩ con, mà người nuôi còn thu lời từ việc bán trĩ bố mẹ sau khoảng từ 2 đến 3 năm nuôi, cho người khác mua về nuôi làm cảnh, với giá bán khoảng 1 triệu đồng 1 cặp.

Để nuôi chim trĩ (nhất là chim trĩ xanh) cũng cần nắm được các kĩ thuật cơ bản, cho dù đây là loài dễ nuôi.

Chim trĩ thích nghi tốt ở vùng đất rộng, thoáng đãng, khí hậu mát mẻ. Chúng có thể thả vườn như nuôi gà, và cũng có thể nuôi nhốt trong chuồng. Tất nhiên chuồng phải đủ rộng, nền chuồng cần rải trấu hoặc mạt cưa với độ dày 5-8 cm, và gần khu vực chuồng phải có khu đổ cát để chim tắm cát. Nhưng rất quan trọng là là chuồng phải có lưới quây để cho chim khỏi bay đi.

Chim trĩ nuôi bình quân 8 tháng tuổi là có thể đẻ trứng. Thời gian đẻ thường từ đầu tháng 1 âm lịch đến khoảng tháng 4 âm lịch. Bình quân mỗi năm 1 chim mái có thể đẻ từ 68 - 80 trứng. Chim trĩ trong tự nhiên không tự ấp trứng mà thường đẻ nhờ vào tổ chim khác. Vì vậy khi đưa vào nuôi trong môi trường nhân tạo, người nuôi thường cho ấp chung với gà hoặc ấp bằng máy ấp trứng. Việc ấp nở chim trĩ dễ dàng như ấp gà, vịt nên khả năng nhân rộng tổng đàn chim trĩ của các hộ nuôi là không mấy khó.

Chuồng nuôi chim trĩ phải chia thành nhiều ô khác nhau để tiện theo dõi bệnh tật cũng như quá trình sinh trưởng và phát triển của chúng. Chuồng thường rộng 3,5 m x dài 6 m x cao 2,5 đến 2,8 m; chia thành 5 đến 7 ô. Mỗi ô nuôi 1 con trống và 2 con mái. Tường vây có thể xây hoặc dùng lưới B40, lưới mắt cáo. Trên mái lợp sử dụng các loại tấm lợp fibro xi măng hoặc vật liệu rẻ tiền sẵn có tại địa phương, miễn sao đảm bảo chim không thoát ra ngoài.

Nếu ấp nở bằng máy thì cần giữ nhiệt độ ở vào khoảng 37,5 độ; ngoài ra phải phun nước nhiều vào những ngày gần nở. Trứng chim trĩ ấp 25 ngày là nở. Với chim non từ 1 – 3 ngày tuổi gần như không cho ăn mà chỉ cho uống. Thức ăn chủ yếu của chim trĩ là ngô, lúa hoặc cám gà, ngoài ra cần bổ sung rau, giá và các loại côn trùng. Đặc biệt, phải tiêm vaccin phòng bệnh. Chim trĩ thường mắc các bệnh hô hấp, tiêu chảy, đỏ mắt. Nhìn chung đó là các loại bệnh đơn giản, chỉ cần mua thuốc cho uống là khỏi.

Tuy nhiên, trong điều kiện nuôi nhốt thì 2 tuần phải làm vệ sinh chuồng 1 lần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nuôi chim trĩ