Tự hào là quốc gia sở hữu số lượng di sản văn hóa phi vật thể hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang có những nguồn lực phong phú trong việc kết nối văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh việc vinh danh, bảo tồn thì các giá trị di sản đến nay vẫn thiếu những định hướng phát triển bền vững.
Nguy cơ di sản “đóng băng”
Theo thống kê của Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL), Việt Nam hiện có hơn 400 di sản đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) quốc gia, 14 di sản đã được UNESCO ghi danh. Ở đó, các DSVHPVT không chỉ đa dạng về loại hình mà còn góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.
Đơn cử, Bắc Ninh có di sản Quan họ, Phú Thọ là hát Xoan, dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh, Đờn ca tài tử Nam Bộ…
Hay các lễ hội truyền thống như chùa Hương, chùa Thầy, đền Sóc… luôn thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm và mang lại nguồn thu không nhỏ cho các địa phương.
Đặc biệt những DSVHPVT gắn liền với nghề thủ công truyền thống đã góp phần không nhỏ nâng tầm thương hiệu cho nhiều làng nghề như tranh Đông Hồ, thêu Đồng Cửu, gốm Bàu Trúc…
Tuy nhiên, bên cạnh việc vinh danh, bảo tồn, các DSVHPVT tại Việt Nam hiện nay dù nhiều về số lượng, nhưng việc phát huy so với các quốc gia trong khu vực vẫn đang ở mức độ “phong trào”. Sau khi được vinh danh, các DSVHPVT đều được các địa phương có những kế hoạch, đề án cụ thể trong việc bảo tồn, phát huy, hướng đến phát triển thành các sản phẩm du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Song, bên cạnh những “điểm sáng” thành công thì nhiều DSVHPVT thời kỳ “hậu” vinh danh đang phải loay hoay giữa bài toán bảo tồn và phát triển. Khái niệm “bảo tồn nguyên trạng” vô tình khiến nhiều di sản rơi vào trang thái “đóng băng”, khó thích nghi với sự phát triển của xã hội.
Quả thực, hầu hết các DSVHPVT hiện nay đều phải đối diện với thực tại là, một bộ phận giới trẻ chưa cảm nhận hết giá trị của di sản do bị ảnh hưởng bởi các trào lưu mới nên ít tìm thấy sự say mê để theo học, thực hành. Trong khi đó, các nghệ nhân cao tuổi ngày càng già yếu, nhiều người đã mất, chưa kịp truyền thụ cho thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, việc phân cấp trong quản lý đang đẩy nhiều DSVHPVT dần rơi vào lãng quên và có nguy cơ mai một. Nhiều địa phương còn chưa nhận thức đồng đều về lĩnh vực DSVHPVT, thậm chí có hiện tượng chạy đua danh hiệu...
Tìm hướng phát triển bền vững
Có thể nói, câu chuyện bảo tồn và phát huy các giá trị DSVHPVT tại Việt Nam đến nay vẫn đang trên hành trình đầy gian nan để viết tiếp câu chuyện của quá khứ tới tương lai. Tuy nhiên không hẳn hành trình đó đang rơi vào “bế tắc” bởi đã có địa phương tìm được hướng đi dung hòa, nâng tầm được di sản.
Đơn cử như thành công của Phú Thọ khi đưa được hát Xoan ra khỏi danh sách DSVHPVT của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. Nhưng để có được thành quả đó, tỉnh Phú Thọ đã có những chính sách kịp thời và phù hợp như: tôn vinh, phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân, có biện pháp khuyến khích cụ thể qua hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho nghệ nhân và những người tham gia các lớp truyền dạy, hỗ trợ quỹ hoạt động cho các phường hát Xoan…
Thành quả này cũng để lại kinh nghiệm về tầm nhìn của chính quyền địa phương coi di sản văn hóa là một nguồn lực phát triển, về nêu cao trách nhiệm của quốc gia, của địa phương, của cộng đồng đối với một di sản trong danh sách của UNESCO.
Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT gặp rất nhiều khó khăn, ở cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, đặc biệt là từ nhận thức của con người về di sản.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, để khắc phục tình trạng đó, trước tiên chúng ta cần có nhận thức đúng đắn về di sản văn hóa. Cần phải coi di sản là tài sản vô giá mà cha ông ta đã để lại cho thế hệ hiện tại, là hành trang để đi đến tương lai. Di sản giúp chúng ta hình thành nên sức mạnh mềm của đất nước, lan tỏa giá trị sang các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội.
Vì vậy cần có kế hoạch hành động phù hợp để bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Những câu hỏi then chốt như “di sản cho ai”, “di sản để làm gì” phải luôn được đặt ra trong bất kỳ một kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản nào. Mỗi di sản, ngoài những nguyên tắc chung, cần được bảo vệ theo cách riêng, phù hợp với đặc thù riêng của di sản. DSVHPVT dù bản chất có thể không thay đổi, nhưng hình thức lại thay đổi theo thời gian.
Bởi thế, nhất thiết phải giữ gìn tinh thần, giá trị của di sản ấy, trong khi vẫn phải tạo điều kiện để di sản vận động phù hợp với bối cảnh xã hội đương đại. DSVHPVT cần phải là di sản “sống”, gắn bó với cộng đồng sở hữu di sản, được thực hành thường xuyên, liên tục. Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản qua việc ban hành cơ chế, chính sách, luật pháp, phân bổ nguồn lực đồng thời huy động mọi nguồn lực xã hội cho hoạt động quan trọng này.
“Cộng đồng cần phải được xem là đối tượng quan trọng nhất trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản phi vật thể vì cộng đồng là nơi di sản được sinh ra, nuôi dưỡng, biến đổi, thực hành” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.