Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ: Nỗi lo không của riêng ai

Đỗ Quang Ngọc 30/12/2019 07:18

Một trong những vấn đề nổi lên trong năm 2019 chính là ô nhiễm không khí (ONKK). Đây được coi là cuộc chiến “giằng dai” đòi hỏi nhiều nỗ lực không chỉ trong năm 2020 sắp tới mà còn cả các năm tiếp theo.

Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ: Nỗi lo không của riêng ai

Không ít ngày nhiều khu vực trung tâm Hà Nội bị mờ đi do không khí ô nhiễm.

Ô nhiễm không khí ở hai thành phố lớn nhất nước

Trung tuần tháng 12, trước khi kết thúc năm 2019, Hà Nội lại tiếp tục nằm trong top những thành phố ONKK cao trên thế giới- theo xếp hạng của Air Visual. Theo giới chuyên gia, đây được coi là đợt ONKK “khủng khiếp” nhất tại Hà Nội kể từ đầu năm; và cũng được coi là đợt ONKK thứ 6 trong năm (trung bình mỗi đợt cao điểm kéo dài 1 tuần).

Tại Hà Nội, trong nhiều thời điểm, đồng loạt các trạm quan trắc phủ màu tím với chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí) vượt trên 200, tương đương mức rất xấu. Cá biệt, nhiều điểm đã chạm mốc nâu. Cụ thể, trong ngày 13/11, chỉ số AQI tại Tây Hồ lên tới 405. Còn ngày 10/12, trạm đo tại Đại sứ quán Pháp ở Hoàn Kiếm báo chỉ số AQI ở mức 336. Trong ngày 13/12, trang Air Visual xếp Hà Nội đứng đầu trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI ở mức nâu 316. Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên Air Visual cảnh báo điều này với Hà Nội, nhưng cũng không hẳn đã được giới chức thừa nhận.

Cũng cần nhắc lại, theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, chất lượng không khí được (AQI) chia làm 5 mức. Tiêu chuẩn này được áp dụng phổ biến tại nhiều quốc gia. Theo đó: Mức từ 0 đến 100 là chất lượng không khí tốt và chấp nhận được. Từ 101 – 200 là kém, những người thuộc nhóm nhạy cảm cần hạn chế ra ngoài. Từ 201 – 300 là thang màu tím, thuộc nhóm rất ô nhiễm. Còn trên 300 là thang màu nâu, ở ngưỡng nguy hại, khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.

Với TP Hồ Chí Minh, tình trạng ONKK không quá căng thẳng như Hà Nội, nhưng cũng có lúc khiến cả chính quyền lẫn người dân lo lắng. Đầu tháng 10/2019, mặc dù trời xanh, nắng đẹp nhưng ở tầng thấp hơn ONKK đã khiến các toà nhà chìm trong mù, tầm nhìn giảm xuống thấp. Tại khu chung cư Vinhomes (đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh), bình thường từ đây có thể nhìn rõ khu trung tâm quận 1, nhưng nó gần như biến mất trong lớp không khí mù đặc. Tới tận 9 giờ sáng, Kênh Đôi (quận 8) vẫn như chìm trong sương mù khiến người dân ngỡ ngàng.
Trước đó, trong các ngày từ 18 – 25/9, tại TPHCM thường xuyên xuất hiện tình trạng mù quang hoá từ sáng đến chiều tối. Người tham gia giao thông bị hạn chế tầm nhìn, không thể nhìn thấy tòa nhà 81 tầng Land Mark (quận Bình Thạnh) hay Bitexco 68 tầng (quận 1) dù chỉ đứng cách 300 mét.

Như vậy, trong năm 2019, cả hai thành phố lớn và đông dân nhất nước là Hà Nội và TP HCM đều có những đợt ONKK ở mức phải cảnh báo do có hại tới sức khỏe.

Đâu là nguyên nhân?

Với TP HCM, trong đợt ONKK đầu tiên, người ta cho rằng do khói từ các vụ cháy rừng tại Indonesia mà ra. Tuy nhiên, nguyên nhân đó đã không đứng vững; vì rằng một thời gian dài sau những vụ cháy rừng tận Indonesia thì bầu không khí TP HCM vẫn tiếp tục ô nhiễm.

Trong những ngày ONKK tại TP HCM tăng cao, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (thuộc Sở TNMT) đã lên tiếng cảnh báo các thông số bụi mịn, siêu mịn đã vượt chuẩn nhiều lần. Theo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và xây dựng là nguyên nhân chính gây ONKK. Hiện TP HCM có tới 10 triệu phương tiện (7,6 triệu xe máy, 700.000 ôtô, còn lại là xe của người ở các tỉnh thành khác mang vào); 37 điểm thường xuyên kẹt xe... nên lượng khí thải độc hại ra môi trường rất lớn.

Với Hà Nội, không chỉ một lần mà nhiều lần chính quyền thành phố lý giải nguyên nhân gây ONKK. Ngày 1/10, chính quyền thành phố đưa ra tới 12 nguyên nhân gây ONKK. Cách xử lý cũng được đưa ra. Trong đó, theo Chi cục Tài nguyên Môi trường Hà Nội, khi có mưa sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí. Ngay sau đó, nhiều ý kiến cho rằng có đến 12 nguyên nhân do con người gây ra ONKK (cũng như môi trường), nhưng lại thiếu giải pháp chủ động mà lại phải trông Trời mưa xuống. Điều đó rất khó chấp nhận.

Không để tình trạng xử lý ONKK chỉ quanh các cuộc bàn thảo, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 (ngày 2/10/2019), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu lãnh đạo thành phố Hà Nội phải có những giải pháp căn cơ và cụ thể để khắc phục, không thể để ONKK khiến người dân thủ đô bức xúc, cũng như có hại đến sức khỏe người dân.

Tới ngày 19/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Văn phòng Chính phủ và nhiều bộ, ngành tổ chức cuộc họp để tìm nguyên nhân, bàn các giải pháp cấp bách và lâu dài để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP HCM. Đáng chú ý, tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đều là các nguyên nhân chủ quan, do con người tạo nên chứ không phải nguyên nhân khách quan từ môi trường hay khí hậu.

Như vậy là ONKK không phải là chuyện đâu đâu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Những gì do con người gây ra thì con người phải giải quyết chứ không thể “nhờ Trời” giúp. Tất nhiên, việc xử lý không thể một sớm một chiều, nhưng cũng không thể để kéo dài mãi, đáng nói hơn là nó chỉ quanh quẩn với việc bàn thảo mà không hành động. Nếu ai cũng nghĩ “việc này của nhiều người chứ nào phải của riêng tôi” thì mọi sự sẽ giẫm chân tại chỗ, chúng ta sẽ vẫn phải sống trong bầu không khí ô nhiễm với nỗi lo mỗi khi thức giấc.

Theo TS Đỗ Mạnh Cường- Phó Trưởng phòng Quản lý sức khoẻ môi trường và hoá chất (Cục Quản lý môi trường Y tế, Bộ Y tế), chất lượng không khí không đảm bảo có thể gây hàng loạt bệnh về đường hô hấp, tim, ung thư… Với các hạt bụi thô, sẽ gây tổn thương, viêm hệ hô hấp. Riêng bụi PM2.5 có khả năng thẩm thấu, di chuyển, hấp thụ vào trong máu, đặc biệt nguy hiểm. Bụi PM2.5 có kích cỡ bằng 1/30 sợi tóc, được hình thành từ các chất như carbon, nitơ và các hợp chất kim loại khác. Chúng có khả năng thẩm thấu, di chuyển, hấp thụ vào trong máu. Đặc biệt nguy hiểm khi các bụi này là hợp chất hữu cơ, thuốc trừ sâu, kim loại nặng... có thể gây nhiễm độc, ung thư, hen...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ: Nỗi lo không của riêng ai