Năm hết Tết đến, nhiều nơi, người dân tổ chức tiệc tất niên để tiễn năm cũ, đón năm mới. Đó sẽ là một nét văn hóa đẹp nếu như những người trong cuộc có ý thức trong việc giữ gìn trật tự, ăn uống một cách văn minh, không làm ảnh hưởng đến xung quanh. Nhưng nhiều người dân ở các chung cư, khu đô thị đã bị ám ảnh bởi tiếng karaoke, tiếng “dô, dô” chúc rượu gần như thâu đêm suốt sáng... Ô nhiễm tiếng ồn ở các đô thị là vấn nạn luôn nhức nhối thời gian qua.
Cuối năm mọi người, mọi nhà quây quần bên nhau trong mâm cúng tất niên để chuyện trò, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm là việc nên làm. Tuy nhiên từ nhận thức lệch lạc của bộ phận người dân - đặc biệt là ở những nơi có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng; lễ cúng tất niên gần như thay đổi về bản chất với tên gọi mới là “cúng xóm”. Trong khi cúng tất niên tổ chức trang trọng ở đình làng thì “cúng xóm” diễn ra ở ngã ba, ngã tư và giữa trục đường giao thông công cộng. Bàn cúng và mâm cơm sau cúng, cũng được chủ tế bày giữa đường giao thông. Người tham gia bữa cơm “cúng xóm” cuối năm không thể chuyện trò, hỏi thăm công việc làm ăn của nhau bởi sau tiếng đồng thanh hối thúc “dô! dô!” là tiếng hát karaoke vô tiền khoáng hậu, sai nhịp, lạc tông qua loa thùng công suất lớn của các thành viên không còn tỉnh táo. Việc yêu cầu người không tỉnh táo do rượu bia tại tiệc “cúng xóm” vặn nhỏ âm thanh là điều không tưởng
Đã thành lệ mỗi dịp cuối năm, tổ dân phố, thôn xóm “bổ đầu chia xôi” đến từng hộ khoản đóng góp làm lễ “cúng xóm”. Đóng góp dành cho mâm cúng chỉ chiếm phần nhỏ so với khoản đóng góp cho ăn uống, thuê dịch vụ “âm thanh ánh sáng” để hát hò. Hình ảnh thường gặp tại cuộc “cúng xóm” cuối năm là các loa thùng công suất lớn xếp chồng lên nhau như một sự thách đố, ganh đua giữa các tổ dân phố, khu dân cư. Xóm này có loa to thì xóm khác phải thuê được loa khác to hơn.
Âm thanh kinh hoàng từ loa thùng mở hết cỡ ở tiệc “cúng xóm” có thể so sánh với tiếng đùng đoàng, đinh tai nhức óc của pháo thời điểm cận Tết Nguyên đán cách đây 29 năm khi Thủ tướng Chính phủ chưa ban hành Chỉ thị (số 406-TTg ngày 8/8/1994), cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Sự ganh đua theo kiểu nhà này đốt pháo to thì nhà khác phải sắm được dây pháo to hơn, dài hơn, không chỉ phai mờ hình ảnh “lẹt đẹt ngoài sân tràng pháo chuột” trong dân gian mà còn biến các khu dân cư từ thành thị đến nông thôn thành chiến địa với số lượng người thương tích phải nhập viện tăng đều đặn vào mỗi dịp cuối năm
Là địa phương có tốc độ đô thị hóa rất nhanh trong gần 30 năm qua, Đà Nẵng cũng đang phải đối mặt với những thách thức về ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm môi trường âm thanh - đặc biệt là ô nhiễm môi trường âm thanh tại các cuộc “cúng xóm” thời điểm cận Tết Nguyên đán cổ truyền.
Vài năm trước, chúng tôi từng dẫn lời một vị nguyên là cán bộ lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng những năm sau chiến tranh, đồng thời cũng là nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử khi ông nhìn nhận thực tế phi văn hóa trong điệp khúc “dô!” thúc ép nhau uống rượu và chuyện hát, chuyện “gào” karaoke (không chỉ trong lễ cúng xóm cuối năm mà cả 365 ngày tại nhiều khu dân cư). Theo vị lãnh đạo thì nhiều năm qua, Đà Nẵng mải mê phát triển hạ tầng đô thị nên vô tình lướt qua những cái gì thuộc về gốc rễ, nền tảng tinh thần của cộng đồng dân cư lao động nông nghiệp, ngư nghiệp. Quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh, khiến hàng vạn hộ nông dân, ngư dân bỗng chốc trở thành hộ gia đình thị dân, thụ hưởng văn minh đô thị trong khi chưa có giai đoạn chuyển tiếp, chuẩn bị hành trang để đón nhận nên không có gì là khó hiểu khi sinh ra lệ “cúng xóm” hoàn toàn xa lạ với truyền thống văn hóa, đạo lý của làng quê, thành thị Việt Nam.