Ngày 5/9, khoảng 25 triệu học sinh, sinh viên chính thức bước vào năm học mới 2024-2025 với lễ khai giảng được tổ chức đồng loạt trên toàn quốc. Sau khai giảng, các nhà trường tiếp tục thực hiện các giải pháp để ổn định nền nếp học tập cho học sinh.
Khi bắt đầu một năm học mới, việc duy trì ổn định nền nếp là rất quan trọng để tạo ra môi trường học tập hiệu quả và lành mạnh. Ghi nhận tại Trường Tiểu học Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội), học sinh nhà trường đều đã có đủ sách giáo khoa của các môn học. Các giáo viên dạy theo khung chương trình của Bộ GDĐT và UBND TP Hà Nội ban hành. Cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ, phục vụ tốt cho việc dạy học.
Cô Trần Thị Hồng Quyên, chủ nhiệm lớp 3A2, Trường Tiểu học Yên Sở cho biết: Trong những buổi học đầu tiên, hầu hết các học sinh đều có mặt trước giờ vào lớp 10-15 phút để bước vào năm học với tâm thế tự tin, thoải mái.
Trong các tiết học, cô giáo tích cực đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ, tạo sự hứng thú cho học sinh. Các giáo viên và học sinh nhà trường quyết tâm thi đua dạy học - học tốt, phấn đấu tiếp tục đạt nhiều thành tích cao, tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục.
Cô Quyên cũng thông tin, bài tập về nhà đầu tiên của năm học mới cô giao cho học sinh là đọc lại và ghi nhớ nội quy lớp học; kể lại một số kỹ năng em sẽ xử lý khi gặp hoả hoạn. Lớp học có nền nếp là lớp học thực hiện tốt nội quy. Với học sinh tiểu học các nội quy phải ngắn gọn, dễ hiểu, cụ thể. Khi các em đã thực hiện tốt nội quy ban đầu, giáo viên sẽ thay nội quy khác để các em thực hiện tiếp theo.
Theo em Nguyễn Gia Bảo, nội quy lớp cô giao cần ghi nhớ gồm các nội dung như: Đến lớp học đúng giờ, 7h30 có mặt; Mặc quần áo đồng phục gọn gàng; Soạn bài, làm bài, chuẩn bị đồ dùng học tập đầy đủ; Không mang quà vặt đến lớp; Tập trung nghe giảng, tích cực phát biểu bài; Không làm việc riêng, nói chuyện trong giờ học; Luôn ngồi học đúng tư thế…
Học sinh lớp 3 là học sinh đã bước qua những ngày bỡ ngỡ của lứa tuổi đầu cấp. Như mọi năm (khi học lớp 1, 2), giáo viên thường dặn dò bài tập về nhà cho các học sinh bằng tin nhắn hàng ngày cho phụ huynh, hoặc sẽ đọc cho học sinh chép vào vở. Năm học này, cô Quyên cho biết, giáo viên sẽ dần dần không cho các con ghi vở dặn dò theo kiểu đọc chép từng từ. Việc hàng ngày cần làm của học sinh, cô giáo sẽ nhắc nhở trên lớp để con tập ghi nhớ. Cô cũng sẽ gửi dặn dò trên nhóm lớp mỗi ngày. Tuy nhiên khi vào nếp rồi thì cũng có ngày cô không gửi lên nhóm, là để kiểm tra việc ghi nhớ của học sinh. Mấy tuần đầu, phụ huynh sẽ kiểm tra giúp giáo viên việc cô nhắc trên lớp với dặn dò cô gửi trên nhóm để kiểm chứng con ghi nhớ có đúng không?
Tương tự, thông tin từ Trường THCS Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội), ngay từ ngày đầu năm học, đội sao đỏ và đội xung kích nhà trường đã được thành lập nhằm giúp cho nề nếp của Liên đội được duy trì ổn định và hoạt động hiệu quả. Các em trong đội sao đỏ được nhận nhiệm vụ giữ gìn nề nếp và tác phong, kỷ luật do nhà trường đề ra. Đội sao đỏ của Liên đội năm nay gồm 62 đội viên, đội xung kích gồm 15 thành viên chính cùng phối hợp với các lớp trực tuần, theo dõi nhắc nhở các bạn đội viên để cùng thực hiện tốt nội quy của nhà trường. Các em đều là những đội viên ưu tú có kết quả học tập tốt, tác phong gương mẫu và đặc biệt là tinh thần tự giác cao.
Ngay sau ngày khai giảng, đội sao đỏ và xung kích đã được cô giáo Tổng phụ trách Đội tập huấn công việc kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các bạn học sinh thực hiện tốt nề nếp, nội quy của nhà trường. Các bạn trong đội sao đỏ, xung kích đã làm việc có trách nhiệm, giúp cho nề nếp Liên đội ổn định ngay từ đầu năm học.
Tại Trường Mầm non Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội), trước ngày khai giảng, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh cho tất cả các lớp. Cô Nguyễn Kim Tuyến, giáo viên chủ nhiệm lớp Mẫu giáo lớn A2 cho hay: Với học sinh mẫu giáo 5 tuổi, việc rèn nền nếp cho các em rất quan trọng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh và giáo viên.
Các bé 5 tuổi mà kỹ năng tô, viết yếu thì khi lên lớp 1 các em sẽ rất sợ, không dám viết. Các cô sẽ phải rèn cho các em rất nhiều kỹ năng và cả nền nếp như: Rèn cho các em không nói ngọng, không ngại phát biểu; biết cách thưa gửi với các cô, trao đổi với các cô; rèn cho các em các thói quen, tính tự lập… Các em cũng phải học xếp bàn ghế ngay ngắn và cất đúng chỗ, xếp hàng theo đúng tổ, lấy đúng cốc của mình, đi dép trong nhà vệ sinh để không bị trượt ngã, cách gấp chiếu, lau miệng bằng khăn mặt. Ngoài ra các em cũng được rèn sự tập trung, lễ giáo, sự chú ý trong các hoạt động…
“Ví dụ, những ngày mới đến lớp các em rất hay tranh nhau chọn gối khi ngủ, cô phải nhắc nhở xếp hàng lần lượt theo tổ, lấy gối từ trên xuống, không rút từ dưới lên. Khi ngủ dậy, lần lượt từng em cất gối để không bị đổ… Mưa dầm thấm lâu, càng rèn luyện nhiều thì càng có kết quả tốt. Các phụ huynh nên để con tự làm, để con tự đi, ba lô hay dép để con tự cất khi đến lớp. Bởi vì đến khi các con lên lớp 1 sẽ không có ai giúp các con những việc ấy cả. Các con phải tự đi vào lớp” - cô Tuyến cho hay.
Tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Gia Lộc, Hải Dương), công tác xây dựng nền nếp cho học sinh cũng được quán triệt là một trong những nhiệm vụ trọng yếu. Giáo viên nhà trường cho rằng, nếu học sinh không có nề nếp thì việc giáo dục và dạy học trên lớp sẽ không đạt hiệu quả cao. Muốn các em có nền nếp trong học tập cũng như trong sinh hoạt, biết ngăn nắp, gọn gàng, khoa học trong từng hoạt động thì người giáo viên phải uốn nắn, rèn giũa cho các em ngay từ khi đầu năm học. Nếu ngay từ đầu năm các em được rèn giũa một cách nghiêm túc, có hiệu quả, thì đây sẽ là những bước đi vững chắc cho các em trong việc học tập.
Bên cạnh đó, việc giao tiếp hiệu quả giữa giáo viên và phụ huynh cũng là yếu tố quan trọng để duy trì nền nếp. Việc tổ chức các cuộc họp định kỳ, cung cấp thông tin về tiến độ học tập và các vấn đề liên quan giúp phụ huynh nắm bắt tình hình học tập của con em mình, đồng thời phối hợp cùng giáo viên hỗ trợ học sinh tốt nhất.