Với mong muốn con có được tấm vé vào trường công lập tên tuổi, trường chuyên, trường chất lượng cao, nhiều phụ huynh đã đầu tư cho con ôn luyện, rèn kỹ năng từ lớp 1 để vượt qua các kỳ thi đánh giá chất lượng, kiểm tra đầu vào.
Khó nói “không” với học thêm
Cuộc đua vào lớp 6 trường THCS chất lượng cao tại Hà Nội ngày càng được đánh giá là khốc liệt hơn do mức độ cạnh tranh cao, chỉ tiêu ít nhưng số lượng đăng ký đông và rất đông. Thậm chí, so với tuyển sinh vào lớp 10 và xét tuyển vào đại học cũng căng thẳng không kém, khi có những trường để qua vòng loại hồ sơ thì phải đạt từ 167/170 điểm của 17 đầu điểm trong 5 năm, và phải đạt danh hiệu “Học sinh (HS) hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện” 5 năm liên tục ở bậc tiểu học. Điều này có nghĩa, để vào được các trường cấp 2 theo nguyện vọng, HS và gia đình cần đầu tư, quan tâm đến việc học ngay từ lớp 1 và không được phép sơ sẩy với bất kỳ môn học nào, từ Toán, Tiếng Việt đến Âm nhạc, Thể dục…
Do đặc thù cấp tiểu học là học 2 buổi/ngày nên để luyện thi vào trường điểm, trường hot, việc học thêm chỉ có thể diễn ra vào buổi tối. Theo cô Trần Thị Phượng, giáo viên Trường Tiểu học Tân Mai (Hà Nội), thời gian ở trên lớp giáo viên chỉ có thể dạy đảm bảo kiến thức cơ bản và các dạng bài phổ thông sẽ gặp trong các kỳ thi giữa kỳ, thi cuối năm, còn việc mở rộng và nâng cao hầu như không có thời gian do lớp đông, quỹ thời gian eo hẹp. Với những HS có nguyện vọng đăng ký thi tuyển vào trường THCS chất lượng cao, việc học thêm là không tránh khỏi.
Ông Đặng Quốc Thống - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nói rằng, muốn tuyển được HS chất lượng phải tổ chức kỳ thi kiểm tra kiến thức của các em. Tuy nhiên, phụ huynh không nên chạy theo phong trào luyện thi để “ép trái non chín sớm”.
Trên nhiều diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm ôn thi vào các trường THCS có thi tuyển của Hà Nội, các bậc phụ huynh còn truyền tai nhau để thi vào trường THCS Ngoại ngữ, HS nên tham gia vào lớp luyện thi này, trong khi để vào hệ THCS của Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành thì nên đến lò luyện này sẽ “sát” với đề thi hơn. Mặc dù các trường đều thông tin phụ huynh bám sát đề thi minh họa trường đã công bố, ôn luyện các kiến thức cơ bản, nhưng trong một cuộc thi toàn HS giỏi tranh tài, hiếm gia đình nào chủ quan cho rằng chỉ học ở trên lớp thôi là có thể đi thi.
Chị Nguyễn Thanh Nga (Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) có con đang học tại Trường Tiểu học Ngôi Sao cho biết, từ kinh nghiệm ôn thi của con trai lớn, những tháng cuối cùng 2 mẹ con cày đề đến 12 giờ đêm, nay với con trai thứ 2 chị đã giãn lịch ra hơn. Cụ thể, con học thêm từ năm lớp 3 cả 3 môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. Đến năm nay lớp 5, kiến thức và kỹ năng cũng thành thục nên thời điểm này chỉ cách kỳ thi khoảng 2 tháng nữa, con vẫn luyện thi ở mức độ học thêm kín tuần nhưng không phải thức đêm làm đề như anh trai.
Lắng nghe, đồng hành cùng con
Hiện nay, tại Hà Nội có 2 trường THCS trực thuộc đại học có thi tuyển đầu vào lớp 6 gồm: THCS Ngoại ngữ và hệ THCS của Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành. Một số trường tư thục chất lượng cao như Ngôi Sao, Archimedes, Lương Thế Vinh, Newton, Đoàn Thị Điểm, Marie Curie, Lômônôxôp, Lê Quý Đôn, Lý Thái Tổ, Nguyễn Siêu… cũng tổ chức kiểm tra năng lực để tuyển sinh lớp 6.
Các trường THCS chất lượng cao có tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực để tuyển sinh lớp 6, gồm: Trường THCS Cầu Giấy, Trường THCS Thanh Xuân, Trường THCS Lê Lợi - Hà Đông, Trường THCS Nam Từ Liêm, Trường THCS Chu Văn An - Long Biên. Riêng hệ THCS trực thuộc Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam ở năm học này đang có thông tin sẽ dừng tuyển sinh với nhiều ý kiến trái chiều bởi theo quy định tại Luật Giáo dục 2005, trường chuyên chỉ có ở cấp THPT. Nội dung này cũng được giữ nguyên ở Luật Giáo dục 2019.
TS Đàm Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn Giáo dục EQuest cho rằng, ở lứa tuổi HS lớp 6, 7 chưa hình thành rõ năng khiếu về chuyên môn sâu. Do vậy việc tổ chức kỳ thi tuyển chọn HS vào các lớp năng khiếu, chất lượng cao hay đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuyên sâu sẽ gây áp lực cho HS và sự mệt mỏi cho xã hội.
Dẫu vậy, khi nguyện vọng đông trong khi chỉ tiêu có hạn, việc các trường tổ chức thi tuyển, kiểm tra đầu vào bằng các bài thi là không tránh khỏi. Vấn đề là các bậc phụ huynh cần nhìn nhận rõ năng lực của con em mình có phù hợp để tham gia vào cuộc đua đầy căng thẳng này và nguyện vọng của con có mong muốn học ở ngôi trường đó không. Bởi dù chất lượng đào tạo của các trường đã được khẳng định, môi trường học tập đồng đều nhưng không phải HS nào cũng mong muốn. Nếu con phản đối thì cha mẹ nên lắng nghe, chia sẻ và tôn trọng sự lựa chọn của con thay vì áp đặt theo chủ ý, mong muốn của mình vì có thể sẽ phản tác dụng.