Lượng xe ôtô nguyên chiếc nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, nhập khẩu ôtô tải tăng, có nghĩa là nhu cầu vận tải hàng hóa trong nước tăng lên. Đây là tín hiệu tốt của sản xuất, tiêu dùng. Nhưng đằng sau nó là vấn đề phát triển công nghiệp ôtô và công nghiệp phụ trợ.
Công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn thiên về lắp ráp
Nguồn:dantri.com.vn
Số liệu mới nhất từ Vụ Kinh tế dịch vụ (Bộ KH-ĐT), 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập trên 56.000 ôtô nguyên chiếc, tăng khoảng 30.000 xe so với cùng kỳ 2014. Trong đó, xe từ 9 chỗ trở xuống khoảng 18.000 xe, còn lại trên 36.000 chiếc là xe tải và xe khách.Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông đặt câu hỏi: Xe tải dễ nội địa hóa hơn, có khung mẫu và ít thay đổi. Tại sao trong nước không làm được?
Câu hỏi này cũng là câu hỏi khó cho ngành ôtô Việt Nam suốt nhiều năm qua. Mặc dù trong chiến lược phát ngành công nghiệp ôtô năm 2015 tầm nhìn 2035, cơ quan quản lý đặt mục tiêu ngành đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe khách, xe tải thông dụng, một số loại xe chuyên dùng. Thế nhưng thị trường Việt Nam hiện nay toàn tiêu thụ xe nhập khẩu. Các DN sản xuất ôtô trong nước vẫn chưa thấy có động thái gì triển khai chiến lược ngành. Công nghiệp phụ trợ cho ngành sản xuất ôtô vẫn chưa phát triển. Trong ngành công nghiệp cơ khí, việc sản xuất linh kiện, thiết bị phục vụ cho sản xuất thiết bị đồng bộ trong nước mới tham gia được 20%.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP ôtô Trường Hải đã từng đặt vấn đề: Phát triển công nghiệp ôtô phải đặt yếu tố cạnh tranh lên hàng đầu, nhưng chúng ta đang cạnh tranh với ai, bằng sản phẩm gì? Trong khi Thái Lan và Indonesia đã thành lập được ngành công nghiệp ôtô, tỷ lệ nội địa hóa của họ đạt trên 90%, chi phí sản xuất không cao hơn các nước xuất xứ thì cạnh tranh thế nào?
Theo ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Cty CP ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki), Việt Nam có thể đầu tư công nghệ cao để đáp ứng 80% phụ tùng sản xuất, lắp ráp ôtô, nhưng DN lại ngại ngần khi đầu tư. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do chính sách vốn vay và lãi suất chưa thể cạnh tranh được với các DN trong khu vực. Hiện có nhiều chính sách được các bộ, ngành đưa ra hỗ trợ ngành công nghệ cao nhưng vẫn nằm trên giấy, việc thực thi rất khó. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn được đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, nhưng băn khoăn về sự bất ổn của chính sách và thủ tục hành chính rườm rà.
Hiện nay, năng lực sản xuất ôtô trong nước chỉ đạt từ 100.000-120.000 chiếc/năm, còn lại là nhập khẩu. Sản xuất ôtô trong nước cũng phải nhập linh kiện. Câu chuyện còn lại của ngành công nghiệp ôtô chính là chính sách cụ thể hóa chiến lược phát triển ngành và thực hiện kịp thời.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần cụ thể hóa và đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh đó, cần hàng loạt các chính sách như: kéo dài thời gian cho vay từ quỹ khoa học công nghệ, lên 7-10 năm, vì 5 năm quá ngắn; hưởng hỗ trợ từ vươn ươm doanh nghiệp… Trong khi đó các DN sản xuất ôtô, để ngành này phát triển thì ưu đãi là cần thiết. Tuy nhiên, nếu chính sách được đưa ra nhưng chỉ liên quan đến miễn giảm thuế phí thì chưa đủ. DN cần được định hướng đi cụ thể.