PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Đốm lửa hy vọng

Hải Nhi (thực hiện) 12/11/2021 19:00

Chiếu một cái nhìn tổng thể, về quan hệ giữa sân khấu và người xem trong hai thập niên đầu thế kỉ XXI, thì phải công tâm mà nhận rằng: sân khấu kịch nhỏ vẫn chỉ là giải pháp tình thế cho cuộc khủng hoảng sân khấu kịch Việt về khán giả.

Kể từ đầu thế kỉ XXI đến năm 2021, năm đầu thập niên thứ 3, khán giả xem kịch đã thưa vắng đến mức đáng coi là “bi kịch trắng khán giả”. Sân khấu nhà nước, sân khấu tư nhân, sân khấu lớn, sân khấu nhỏ, sân khấu “xã hội hóa”, các hội diễn kịch toàn quốc, kịch địa phương của Thủ đô Hà Nội, của TP HCM… tất cả đều không tìm được người xem đã mất.

Những người xem của thời sân khấu lớn hoàng kim, sân khấu nhỏ hoàng kim và những hội diễn Kịch hoàng kim của thế kỉ trước, người xem tấp nập phủ kín khán phòng, không một ghế trống… đã chỉ còn là hồi ức và kỉ niệm. Ấy là chưa kể các vở diễn thuộc loại hình sân khấu dân tộc: tuồng, chèo, cải lương, rối nước… cũng bị cuộc khủng hoảng khán giả nhấn chìm. Các nhà hát rạp hát các điểm diễn sân khấu ở các thành phố lớn Việt Nam đều bị đứt mạch kịch trường hàng đêm. Và còn điều đáng tiếc nữa: Đại dịch Covid-19 toàn cầu đã khiến cầu nối giữa sân khấu và khán giả, vốn đã lung lay từ 2020, đến thời điểm cuối năm 2021, đã rơi vào thảm trạng đứt gãy!

Kịch - thể loại hàng đầu của sân khấu Việt hiện đại đã thật mất trắng khán giả. Thử gạt bỏ lý do khách quan về đại dịch covid-19 toàn cầu, xét kịch là thể loại chủ chốt, và cách sáng tạo vở diễn kịch, với nguyên lý tả thực, trong tổ chức đối thoại (nên được gọi là kịch nói), khác hẳn với hình thái ước lệ, tả thần của chèo, tuồng (gọi là kịch hát, thực ra có cả múa), thì việc mất trắng khán giả của thể loại kịch, lại do bản thân kịch đã đánh mất chính bản chất thể loại của nó - là sự đối thoại với đương thời. Trước khi về cõi, năm 2015, trong hội thảo về “Tự do sáng tạo trong sân khấu kịch”, đạo diễn, NSND Đình Quang đã nhấn mạnh sự mất mát rất đặc hiệu này của thể loại kịch, là mất đối thoại với khán giả, bởi vậy, họ đã không muốn đến nhà hát để được đối thoại với vở diễn kịch về những vấn đề thế sự, trong xã hội hiện đại Việt đương nảy sinh hàng loạt bức xúc, khiến ai ai cũng phải nghĩ ngợi trăn trở, muốn đối thoại để tìm câu trả lời. Kiểu viết kịch đổi mới, chứa đựng những vấn đề đang đặt ra từ đời sống, với tổ chức đối thoại khốc liệt và sắc sảo, thậm chí “gây hấn” như kịch bản của Xuân Trình, Nguyễn Đình Thi, Ngọc Linh, Lê Duy Hạnh, Chu Lai, Nguyễn Đăng Chương, đặc biệt là kịch Lưu QuangVũ thời đổi mới… vẫn không chiếm tỉ lệ áp đảo và không đủ cứu vãn tình trạng chung của sân khấu Việt Nam đầu thế kỷ XXI, vẫn là khủng hoảng kịch bản hay.

NSND đạo diễn Nguyễn Đình Nghi đã từng dùng thần thoại Hy Lạp để ví von: Trong chiếc hộp kín mà Pandora đã “đoảng vị” đánh đổ từ trên đỉnh trời, đã làm rơi xuống mặt đất nhiều tai ương chướng họa, thì may thay, Pandora ngó vào hộp thấy còn sót lại một thứ, là hy vọng. Và, tôi bất chợt đọc được một câu của J.K.Rowling: “Ta có thể tìm thấy hạnh phúc ngay cả trong giai đoạn đen tối nhất, chỉ cần ai đó bật đèn lên”. Đúng vậy chỉ cần người - sân - khấu nào đó ở Hà Nội, TP HCM hay bất kì đâu đó, bật đèn sân khấu lên!

Và phải chăng, nước Nga mới (SNG), sau Liên xô cũ (CCCP), đã bật đèn cho sân khấu Việt tiếp tục giao lưu thân ái với sân khấu Nga, bằng một cử chỉ văn hóa rất đẹp về dịch thuật. Sách dịch tiếng Nga kịch Vũ Đình Long này sẽ ra mắt tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga Hà Nội, đúng dịp kỷ niệm 100 năm “Chén thuốc độc” của ông.

Và không ngẫu nhiên, lần đầu, kịch bản “Chén thuốc độc” của Vũ Đình Long được Hội Nghệ sĩ Sân khấu mời tác giả Đỗ Trí Hùng biên tập, đạo diễn Bùi Như Lai dàn dựng và biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sau đúng 100 năm ngày vở diễn ra mắt tại Nhà hát Tây danh tiếng này, năm 1921…

Như thế, đốm lửa hy vọng về sân khấu kịch trở lại - đã được thắp lên!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Đốm lửa hy vọng