PGS.TS Trần Đức Cường: Phải sống sao cho xứng đáng

MINH HẢI (thực hiện) 23/12/2022 09:31

Với PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, sự kiện “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã khơi gợi cho ông rất nhiều cảm xúc bởi ông chính là người dân khu phố Khâm Thiên.

PGS.TS Trần Đức Cường. Ảnh: Quang Vinh.

PV: Thưa ông, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, với con mắt của một nhà sử học ông đánh giá như thế nào về sự kiện này?

PGS.TS TRẦN ĐỨC CƯỜNG: Thắng lợi “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, trong 12 ngày đêm (từ 18 - 30/12/1972) là một trong những sự kiện lịch sử quan trọng. Nó như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Xương Giang, một Điện Biên Phủ. Đó là một chiến công rực rỡ. Thắng lợi ấy đối với dân tộc ta đó là sự cổ vũ cho cuộc kháng chiến của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, khích lệ phong trào đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược đòi lập lại hòa bình tại Việt Nam của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đồng thời cũng là một chất kích thích để phong trào chống chiến tranh ở Mỹ lên cao, buộc Mỹ phải quay trở lại bàn đàm phán với phái đoàn của ta do cố vấn Lê Đức Thọ là người chủ trì, do đó Hiệp định Paris đã được ký kết ngày 27/1/1973.

Ta thắng lợi trong cuộc tấn công của không quân Mỹ trên bầu trời Hà Nội đã buộc Mỹ vào ngày 15/1/1973 phải tuyên bố chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 chống lại miền Bắc Việt Nam. Chúng ta biết được rằng ý nghĩa rất quan trọng của thắng lợi Điện Biên Phủ trên không đã làm cho cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, tức là giai đoạn mà Bác Hồ nói “đánh cho Mỹ cút” đã xong. Cái chúng ta cần, chúng ta muốn và khả năng của chúng ta làm được là việc đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Và Mỹ chấp nhận rút quân đội về nước trên cơ sở cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền thống nhất của đất nước Việt Nam. Sau đó chúng ta chuyển sang giai đoạn “đánh cho Nguỵ nhào” để có được kết thúc vào ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, và có được điều kiện như ngày hôm nay.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng sự kiện lịch sử này hết sức trọng đại. Người ta cũng đã nói tới nhiều, nhưng chúng ta càng ngày càng thấm thía thắng lợi của quân và dân ta trên bầu trời Hà Nội đã thể hiện ý chí chiến đấu kiên cường của dân tộc, của quân và dân thủ đô, của các lực lượng vũ trang bao gồm: Phòng không không quân, quân đội địa phương, dân quân tự vệ.

Người ta nói chiến tranh chống phá hoại bằng không quân ở các nước cũng có nhiều, nhưng không nơi nào mà bộ phận chiến đấu đánh lại máy bay lại có những tầng nấc như ở Việt Nam. Tức là trên cùng có không quân, rồi nữa là lực lượng tên lửa của quân đội, nhưng đồng thời thấp hơn có bộ đội địa phương, có các loại cao xạ pháo. Dưới cùng là dân quân tự vệ. Cầu Long Biên lúc đó còn có rất nhiều ụ súng của dân quân tự vệ bắn máy bay. Dĩ nhiên trong cuộc đụng độ này chúng ta mất mát, hy sinh cũng rất nhiều…

Một chiếc B52 cất cánh từ căn cứ không quân Andersen ở Guam (Mỹ) để tham gia chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" tại Việt Nam, tháng 12/1972.

Ông đã sống ở khu phố Khâm Thiên, và từng chứng kiến sự đổ nát của khu phố sau trận dội bom?

- Đúng vậy. Nhà tôi ở phố Khâm Thiên, trong ngõ Nhà Dầu. Ngày xưa ở đó có hãng dầu Shell của Mỹ nên ngõ có tên Nhà Dầu. Giờ là ngõ số 1 Khâm Thiên. Đêm 26/12/1972 không quân Mỹ ném bom xuống Khâm Thiên, tôi đang ở chiến trường B2 (Nam Bộ). Tôi công tác ở bộ phận nghiên cứu của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.

Do đó nhiệm vụ của chúng tôi là theo dõi tình hình chiến sự để báo cáo lên các cấp có thẩm quyền quyết định những công việc tuyên truyền thế nào, để cung cấp thông tin cho hệ thống báo chí cách mạng. Cho nên tình hình căng thẳng ngoài Bắc chúng tôi đã được cơ quan thông báo. Khi có tin Mỹ đánh Hà Nội, trong đơn vị có tôi là người Hà Nội, lúc đó tôi rất lo lắng không biết gia đình như thế nào, khu phố của mình ra sao. Đến lúc có tường thuật trên các đài về trận Mỹ ném bom Khâm Thiên, tôi sốt ruột lắm dù biết Nhà nước đã dự báo và đã có lệnh sơ tán hết sức triệt để. Các em tôi đều đi sơ tán. Mẹ tôi sơ tán ở cơ quan.

Còn cha tôi vẫn ở nhà vì ông cụ lúc đó làm ở Tổng cục Đường sắt, cha làm Chủ nhiệm điều độ khách vận, tức là phụ trách lập các đường tàu vận tải hành khách. Trong đó có cả việc lập các đoàn tàu quân sự. Lúc đi B, tôi cũng đi trên đoàn tàu quân sự đó vào Nam. Với công việc như vậy, cha tôi không thể đi sơ tán được. Biết cơ quan của cha có xây hầm bên dưới để tất cả bộ phận trực chiến ở đó, nhưng có thể ông về nhà ngủ, hoặc về thay đồ thì sao, những câu hỏi cứ đặt ra trong đầu tôi.

Chỉ đến khi Hiệp đinh Paris được ký kết, đầu năm 1973, có đoàn công tác từ Hà Nội vào, tôi nhận được thư của gia đình, lúc đó mới biết cả gia đình vẫn an toàn, nhưng nhà thì bị tốc ngói bởi sức ép của bom B52. Mãi tới năm 1976 tôi mới trở lại Hà Nội, được đi phép mấy hôm, người ký giấy phép cho tôi đi là nhà thơ Hoài Vũ - Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Giải phóng. Lúc đó tôi về báo công tác. Năm 1976 tôi được đón Tết tại nhà. Về tới khu phố, năm đó Khâm Thiên hầu như chưa được khôi phục, nhiều nhà vẫn còn nguyên vết bom nham nhở.

Chiến tranh đã lùi xa, những ký ức về chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” mãi là một mốc son trong lịch sử dân tộc. Trong tư cách một nhà sử học, ông muốn gửi gắm gì đến với lớp trẻ?

- Tôi cũng có những người bạn, người cùng phố là nạn nhân của trận ném bom. Cả Hà Nội có hàng nghìn chiến sĩ ta hy sinh. Tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng, đất nước hòa bình như bây giờ chúng ta phải trả bằng giá rất đắt. Do đó chúng ta là những người sống cho đến ngày hôm nay và sau này, ta phải sống thế nào cho xứng đáng với sự hy sinh ấy. Đất nước phải phát triển thì chúng ta mới có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh - để làm được điều đó có trách nhiệm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhưng cũng phải có trách nhiệm của mỗi người dân bình thường.

Đặc biệt là vai trò của thế hệ trẻ, tôi rất tin họ, vì thế hệ chúng tôi cũng từng là những người trẻ tuổi. Thế hệ chúng tôi cách đây 50 năm cũng chỉ hơn 20 tuổi, có những người ra chiến trường như chúng tôi, cũng có những người ở lại để bảo vệ Hà Nội, lao động sản xuất… Bởi vậy tôi rất tin vào thế hệ trẻ hôm nay. Họ có những ưu việt mà thế hệ chúng tôi khó có. Bây giờ khoa học hiện đại phát triển, đất nước mở cửa. Sẽ có rất nhiều điều kiện để tiếp xúc với khoa học kỹ thuật hiện đại.

Sau nửa thế kỷ qua, hai dân tộc Việt - Mỹ đã cùng nhau hàn gắn, tạo dựng và phát triển mối quan hệ hòa bình, hữu nghị. Ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi thấy đường lối đối ngoại của Nhà nước ta rất hợp lý, sáng suốt, bởi kể cả sự mất mát rất lớn, hàng triệu người Việt Nam đã chết vì bom đạn ở cả 2 miền Nam - Bắc, nhưng chúng ta không thể đeo mãi nỗi hận thù ấy để đi vào tương lai. Điều đó cần ghi nhớ để sẵn sàng chống lại những gì áp bức, bất công. Và cần ghi nhớ để giáo dục cho thế hệ trẻ biết rằng cha ông họ đã phải trải qua những năm tháng chiến tranh,với những hy sinh mất mát.

Việc xếp sang một trang mới giữa quan hệ Việt Nam và Mỹ, để bước sang trang mới phát triển, cái đó chúng ta đã làm rất tốt. Kể từ khi Việt Nam và Mỹ chính thức thiết lập lại quan hệ ngoại giao cách đây 27 năm (từ năm 1995), có thể nói đã đi được một chặng đường khá xa.

Giờ đây khi mà các nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước ta đã nhiều lần sang Mỹ, và các Tổng thống Mỹ, các nhà lãnh đạo của Mỹ đã sang thăm Việt Nam. Sự công nhận nhau là đối tác toàn diện cũng mang một ý nghĩa lớn, chúng ta trao đổi hợp tác với Mỹ trên rất nhiều phương diện khác nhau: Kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục đào tạo… Có 40.000 sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam du học tại Mỹ. Chưa kể đến hơn 2 triệu người Việt sống ở Mỹ, đó là một bộ phận chúng ta cần quan tâm đến, phần lớn bằng cách này, cách khác, trong điều kiện cụ thể của mỗi người đều yêu đất nước và mong muốn đất nước phát triển. Đó cũng chính là cái vốn để chúng ta phát triển.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    PGS.TS Trần Đức Cường: Phải sống sao cho xứng đáng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO