Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo tại Hội nghị “Phổ biến Luật Báo chí năm 2016 các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc” diễn ra chiều nay 7/11, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí; đại diện các cơ quan báo chí, Đài phát thanh, truyền hình Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Huế trở ra.
Hội nghị nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và Luật Báo chí mới với nhiều sửa đổi, bổ sung, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Báo chí cũ và đáp ứng những yêu cầu phát triển, quản lý hoạt động báo chí trong tình hình mới.
Luật Báo chí 2016 được Quốc hội thông qua ngày 5/4/2016 gồm 6 chương với 61 điều (tăng 25 điều), trong đó có 32 điều được xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành.
“Luật báo chí 2016 sẽ là hành lang pháp lý quan trọng, với nhiều quy định mới tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đời sống của báo chí và công tác báo chí, mang tính thời đại, nhằm xây dựng một nền tảng pháp lý vững chắc và cụ thể là cho việc phát triển báo chí trong giai đoạn tới”, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.
Quang cảnh Hội nghị.
Có nhiều điểm mới đáng chú ý trong Luật Báo chí 2016 như: Một số quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận của công dân; đối tượng thành lập cơ quan báo chí; liên kết trong hoạt động báo chí; quyền tác nghiệp của báo chí; quyền hạn, nghĩa vụ của nhà báo; hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí; những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; cải chính và xử lý vi phạm và pháp điển hóa quy định tác các Nghị định của Chính phủ về công tác báo chí…
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị nghiên cứu kỹ các nội dung, trao đổi, thảo luận về các vấn đề còn chưa rõ nhằm thống nhất khi triển khai thực hiện Luật Báo chí mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 tới.