“Phải lòng” Sa Pa

Mai Hoàng 09/06/2016 10:33

Họa sĩ Tô Ngọc Thành là con thứ 3 trong 5 người con của danh họa Tô Ngọc Vân. Nhưng chỉ một mình Tô Ngọc Thành nối nghiệp cha trở thành họa sĩ. Ông đã sớm tìm cho mình một mảng đề tài riêng, đó là phong cảnh, con người vùng non cao Tây Bắc, đặc biệt là mảnh đất Sa Pa.

Tác phẩm về vùng cao của họa sĩ Tô Ngọc Thành.

Quyến rũ đến mê hồn

Mặc dù đến nay, họa sĩ Tô Ngọc Thành đã một mình đi đến nhiều nơi như Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu..., nhưng địa danh Sa Pa vẫn để lại trong ông những ấn tượng đặc biệt nhất bởi sự nguyên sơ, bí ẩn và nên thơ trong văn hóa và cảnh sắc bốn mùa.

Suốt 15 năm nay, năm nào họa sĩ Tô Ngọc Thành cũng thu xếp đi Sa Pa (Lào Cai) vài ba chuyến. Có chuyến 1 tuần, cũng có chuyến dài tới hàng tháng. Ông thường lên Sa Pa vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 9. Đó là quãng thời gian Sa Pa chìm đắm trong vẻ đẹp của sương khói và những mùa gặt.

Bây giờ, dù đã bước qua tuổi 77, sức cũng không còn khỏe như xưa, ông vẫn lên xe ô tô khách “ngủ một đêm” để sáng mai lại hòa mình vào mảnh đất Sa Pa quyến rũ. Thậm chí, có lần phải nhập viện điều trị ung thư đại tràng, tưởng khó mà còn có chuyến đi nào, thế nhưng ra viện, họa sĩ Tô Ngọc Thành lại tiếp tục rong ruổi đi vùng cao. Đến nay, không nhớ chính xác, nhưng họa sĩ Tô Ngọc Thành quả quyết, “tôi đi Sa Pa cả trăm lần mà vẫn muốn trở lại”.

Họa sĩ Tô Ngọc Thành.

Ông kể, khoảng thời gian từ tháng 5/2009 đến tháng 9/2010, Tô Ngọc Thành ông thường xuyên có mặt ở Sa Pa. Thời gian đó, họa sĩ đã thuê nhà dài hạn của một người dân địa phương ở phố Cầu Mây - thị trấn Sa Pa, làm xưởng vẽ. Ngôi nhà ấy được rất nhiều họa sĩ và văn nghệ sĩ tìm đến khi có dịp đi thăm thú hoặc tìm cảm hứng sáng tác ở Sa Pa, nó giống như một “trạm dừng chân” vậy. Lúc đó, Tô Ngọc Thành trở thành “hướng dẫn viên du lịch” thành thạo còn hơn cả nhiều người dân bản địa.

Các bản làng xa xôi hẻo lánh như Xín Chải, Tả Phìn, Bản Hồ... ông đã đến ăn, ngủ cùng đồng bào dân tộc nhiều lần. Có lần ông còn đi bộ 25km đến Bản Hồ cùng một vị khách nước ngoài, mất đúng 6 tiếng đồng hồ. Ông bảo: “Tôi muốn sống ở Sa Pa, muốn ăn món ăn của người dân tộc, muốn hít thở không khí của Sa Pa, cảm nhận cái rét thấu xương của Sa Pa khi đông về để rồi vẽ cho ra một cái màu Sa Pa riêng biệt...”

Có lẽ vì thế, năm nào cũng thấy ông bày vài ba triển lãm. Hết Hà Nội thì ông mang những phong cảnh, con người Tây Bắc vào triển lãm ở TP HCM, rồi lại tổ chức triển lãm ở Đà Lạt. Tháng 4/2016, gần 40 bức tranh sơn dầu về vùng cao mới hoàn thành được họa sĩ triển lãm ở 16 Ngô Quyền - Hà Nội cho công chúng chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy của những thung lũng, của ruộng bậc thang và các sắc màu trang phục của người Mông, người Dao, người Dáy…

“Thành Sa Pa”

Nhiều người vẫn ví họa sĩ Tô Ngọc Thành là “kẻ độc hành với non cao” bởi ông thường một mình rong ruổi trên các vùng đất lạ để vẽ. Bà con người Mông, người Dao ở Sa Pa đã quen với hình ảnh ông họa sĩ “lọ mọ” khắp các bản làng và ngồi lặng lẽ cả tiếng đồng hồ để vẽ… Bây giờ, gặp ông ở Sa Pa người dân thị trấn vẫn gọi họa sĩ Tô Ngọc Thành bằng cái tên thân mật: “Thành Sa Pa”.

Với hàng trăm chuyến đi Sa Pa, họa sĩ Tô Ngọc Thành không nhớ hết ông đã vẽ bao nhiêu bức về vùng đất này. Nhưng chắc chắn, đó là con số lớn, lên tới cả nghìn bức tranh. Xem tranh về vùng cao của Tô Ngọc Thành, thấy cảnh sắc lung linh, con người thân thiện. Chính bởi thế, qua những bức tranh của ông, nhiều người cũng muốn đặt chân tới khám phá các miền núi cao Tây Bắc nhiều hơn, nơi đó có tiếng khèn, điệu múa, có sắc màu thổ cẩm và những cảnh sắc tuyệt đẹp.

Ruộng bậc thang ở Sa Pa trong tranh Tô Ngọc Thành.

Hỏi chuyện về vùng cao, đặc biệt là mảnh đất Sa Pa quyến rũ, Tô Ngọc Thành có thể kể vanh vách từng tên bản, tên người. Ông thuộc lòng thời tiết, khi hậu, đường sá ở Sa Pa… Vì thế, “nhắm mắt” ông cũng có thể vẽ được tranh về Sa Pa. Tuy nhiên, theo họa sĩ, “tôi rất ít vẽ Sa Pa khi đang ở Hà Nội mà thường vẽ luôn ở đó, trong bối cảnh ngó đầu ra là thấy sương bay, chạm tay là cảm được sự buốt lạnh... Chỉ có khi bất khả kháng, không đi Sa Pa được mà nhớ vùng cao quá, hoặc khi phải điều trị hóa chất vì bệnh tật thì tôi mới vẽ Sa Pa ở Hà Nội thôi...”.

Ở tuổi 77, họa sĩ Tô Ngọc Thành vẫn ấp ủ nhiều dự định. Vẽ, với ông đến nay vẫn là công việc hằng ngày. Ông luôn coi vẽ là niềm vui của cuộc sống. Vì thế, trong tranh, ông thường dùng màu sắc tươi sáng, cái nhìm ấm áp, hồn hậu. Ông luôn luôn nhớ lời dặn của cha - họa sĩ Tô Ngọc Vân: “Sáng tác là lẽ sống, ngày nào không vẽ là ngày ấy bỏ nghề. Là họa sĩ mà không vẽ thì chắc chắn là họa sĩ giấy”.

Chính lời dặn dò đó mà họa sĩ Tô Ngọc Thành đã miệt mài vẽ, bất kể bức tranh đó khi hiện hình có bán được hay không, có được nhiều người thích hay không. Ông cứ vẽ, như đến bữa thì phải ăn, khát thì phải uống nước. Còn chuyện đẹp - xấu là chuyện sau này. Có lẽ vì thế, sẽ không quá ngạc nhiên khi biết, mỗi năm ông vẽ không dưới 100 bức, chủ yếu là về vùng cao.

Lý giải tình yêu với con người và phong cảnh miền núi, họa sĩ cho biết, là bởi suốt tuổi thơ ông theo cha lên chiến khu Việt Bắc. Những ký ức về núi rừng trùng điệp, về cuộc sống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao... cùng những kỷ niệm về năm tháng tuổi thơ thường rất khó phai.

Từ nhỏ, Tô Ngọc Thành đã được cha là họa sĩ Tô Ngọc Vân cùng đưa đi rong ruổi nhiều nơi. Khi lên 4 tuổi, bắt đầu vào phòng vẽ của bố, được gặp gỡ nhiều họa sĩ tài danh..., chính điều ấy đã tạo cho Tô Ngọc Thành ngọn lửa đam mê với nghệ thuật không bao giờ có thể dập tắt. Dù trong hoàn cảnh nào, vào đất sỏi hay ngõ cụt cũng không bao giờ từ bỏ đam mê. Đến năm 11 tuổi, Tô Ngọc Thành đã có tranh tham dự triển lãm quốc tế (năm 1957) và 3 tranh tham dự triển lãm thiếu nhi quốc tế tại Viên (Áo), trở thành người nhỏ tuổi nhất Việt Nam có tác phẩm triển lãm ở nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Phải lòng” Sa Pa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO