Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng, Luật sửa đổi cần tiếp tục phân cấp, nhưng phải hạn chế đến mức tối đa ủy quyền và xin ủy quyền để tránh cơ chế xin - cho cũng như để phục vụ người dân một cách tốt nhất.
Rõ nhiệm vụ từng cấp chính quyền
Bộ trưởngBộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, nội dung sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ tập trung vào việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ; sự phân cấp mạnh giữa Chính phủ đối với chính quyền địa phương, Chính phủ đối với các bộ, ngành cũng như Chính phủ và các bộ, ngành đối với chính quyền địa phương.
Đồng thời, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp chính quyền, tránh chồng chéo như hiện nay, một việc nhiều cấp chính quyền thực hiện. Ví dụ, việc quản lý đất đai hiện nay có đến 3 cấp chính quyền cùng quản lý.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho rằng, trên cơ sở đẩy mạnh phân cấp giữa Trung ương và địa phương, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành và địa phương, cần sửa các quy định liên quan đến việc sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện cũng như việc thí điểm hợp nhất, nhất thể hoá các cơ quan của Đảng và Nhà nước nhằm đảm bảo tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, phục vụ người dân tốt hơn.
Việc sửa đổi 2 luật này cần làm theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 6 và Trung ương 7, trong đó cần sửa đổi theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và ủy quyền giữa Chính phủ và các địa phương -Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn thông tin.
Vấn đề nhiệm vụ và quyền hạn, cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND các cấp cũng cần tiếp tục hoàn thiện, phân biệt rõ hơn nữa chính quyền đô thị, nông thôn và hải đảo. Cùng với đó là giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp ở từng loại hình đơn vị hành chính và quy định khung số lượng các cơ quan trực thuộc HĐND cấp tỉnh, huyện và khung số lượng cấp phó của các cơ quan này như thế nào là hợp lý.
Việc sửa đổi 2 luật này cũng đặt ra việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã cho phù hợp trong điều kiện xây dựng chính quyền điện tử, tinh gọn bộ máy.Do vậy, vấn đề tinh giản biên chế cũng cần được quy định thêm trong luật để có cơ sở rà soát, sáp nhập, sắp xếp lại.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước
Góp ý kiến cho việc sửa đổi 2 luật này nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, đối với Luật Tổ chức Chính phủ, cần lựa chọn sẽ sửa đổi những nội dung cụ thể trong 2 Luật và phân định rõ mối quan hệ cũng như chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương; cần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm để tránh việc đẩy việc lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nếu phân định được mạch lạc mối quan hệ này thì tinh giản biên chế mới đạt hiệu quả như mong đợi.
Đồng quan điểm, PGS.TS Hoàng Thế Liênnguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, trong các nội dung sửa đổi, bổ sung cần làm rõ vai trò thành viên Chính phủ của các bộ trưởng để tránh việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải giải quyết quá nhiều việc.
“Làm sao để càng lên cấp trên cao, càng phải làm ít việc, ít việc không có nghĩa là ít mà là tập trung vào điều hành những việc lớn, mang tính vĩ mô nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra chứ không phải giải quyết theo sự vụ”- ông Thế Liên nói.
Đối với thực trạng về chính quyền địa phương, ông Liên cho rằng, bộ máy còn cồng kềnh, phân mảnh nhiều quá. Do đó, những nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần khắc phục được những tồn tại này.
Về vấn đề này ông Thang Văn Phúc cũng đề nghị cần xem xét và làm rõ mối quan hệ giữa Chính phủ và địa phương để Chính phủ có thể tập trung giải quyết những việc lớn, mang tầm vĩ mô. Và quan trọng, cần phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, tinh giản phải đi đôi với “tinh hóa” và chuyên môn hóa, tiêu chuẩn về cán bộ, công chức cũng phải “tinh” thì mới đạt được hiệu quả thực chất trong tinh giản biên chế.
Việc sửa đổi luật cần thực hiện đúng các quy định trong Hiến pháp, đề cao dân chủ trực tiếp, GS Hoàng Chí Bảo đề nghị, trước khi đi vào sửa đổi, bổ sung cần dành thời gian để thống nhất một số luận điểm chung để tránh mất phương hướng, dẫn tới sự thiếu đồng thuận. Đồng thời, đề nghị tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu lý luận về bộ máy nhà nước và tổ chức bộ máy nhà nước trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Còn GS Nguyễn Hữu Khiển- nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia bày tỏ quan điểm, Luật cần phân về việc phân cấp, nhưng phải hạn chế đến mức tối đa ủy quyền và xin ủy quyền để tránh cơ chế xin - cho. Sửa đổi, bổ sung Luật lần này hướng tới phân cấp, phân quyền mạnh nhưng phân cấp cho chính quyền địa phương về kinh tế - xã hội thì được chứ phân cấp về biên chế, tổ chức bộ máy, công chức, viên chức thì lại không thể được.