Họa sĩ An Hải hy vọng, khi sự việc được đăng tải trên báo chí, đấy cũng là một cách tố giác tội phạm và các cơ quan bảo vệ pháp luật hoàn toàn có thể vào cuộc…
Họa sĩ Phạm Hà Hải cho rằng, tranh giả công khai tại triển lãm (như trường hợp “Những bức tranh trở về từ châu Âu” bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM); trên sàn đấu giá (ở Hong Kong hay ở Pháp) và một số trường hợp khác… là vấn đề lớn, xâm hại uy tín tác giả; gây nghi ngờ giá trị các bộ sưu tập; tạo những nhận thức sai lệch về giá trị nền mỹ thuật Việt Nam; cản trở hoặc phá hoại một thị trường nội địa đang hình thành... Chính vì vậy, giới họa sĩ đã lên tiếng rất quyết liệt cùng sự ủng hộ của báo giới.
“Về bản chất, theo tôi, nạn tranh giả sẽ lên xuống cùng mức phát triển của mỹ thuật và vấn đề đấu tranh với nó là tất yếu của mọi thành phần: tác giả, nhà sưu tập, nhà nghiên cứu, phê bình, nhà kinh doanh, môi giới nghệ thuật, giới truyền thông... Nhưng “lấp ló” và “công khai” là rất khác nhau. Nếu “công khai” mà “không vấn đề gì” thì đó là sự bất lực của thể chế, cơ quan chức năng (thanh tra văn hóa)”, họa sĩ Hà Hải bày tỏ.
Tuy nhiên, đặt câu hỏi với nhiều họa sĩ, rằng làm sao để “chặn” được vấn nạn tranh giả, thường nhận được những tiếng thở dài. Như họa sĩ Thành Chương, ông muốn đi tới cùng sự việc, cũng không được. Bởi chúng ta còn thiếu một số chế tài xử lý, chưa có Luật Mỹ thuật. Và chủ nhân bộ sưu tập “Những bức tranh trở về từ châu Âu” khẳng định 17 bức tranh này đều có chứng nhận từ nhà đấu giá Christie, do chuyên gia là ông J Francois Hubert thẩm định.
Hay họa sĩ Phạm An Hải, khi được hỏi vì sao không khởi kiện đến cùng vụ làm giả tranh ký tên mình, vì bằng chứng anh đã có rất rõ, thì cũng dĩ hòa vi quý mà rằng “toàn chỗ anh em với nhau, kiện thì được gì?”. Họa sĩ An Hải hy vọng, khi sự việc được đăng tải trên báo chí, đấy cũng là một cách tố giác tội phạm và các cơ quan bảo vệ pháp luật hoàn toàn có thể vào cuộc…
Còn họa sĩ Phạm Lực kể, có lần ông biết một cơ sở chuyên sao chép tranh của mình, nên tìm đến tận nơi khuyên nhủ. Nào ngờ chưa kịp giới thiệu xong họ tên, kẻ sao chép tranh đã muốn nói chuyện bằng “tay chân” với ông. Kể từ đó, ông chọn cách “sống chung với lũ”, dù biết tranh của mình bị làm giả, bày bán ở nhiều nơi, nhưng “nhắm mắt cho qua”, vì biết có lên tiếng cũng chẳng ai giải quyết.
Sinh thời, họa sĩ Trần Khánh Chương- khi đó đang đương chức Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng cho rằng, theo đuổi một vụ kiện tụng tranh giả hay tranh chép vi phạm không hoàn toàn đơn giản. Chép tranh ở Việt Nam nhiều nhưng không có vụ nào bị xử lý đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó, vấn đề bảo hộ bản quyền hiện nay cũng đang có nhiều bất cập. Luật Bản quyền thế giới quy định bản quyền chỉ được bảo hộ trong vòng 70 năm (Luật Bản quyền của Việt Nam quy định 50 năm). Cho nên, đối với nhiều tác giả nổi tiếng trên thế giới sau khi họ mất 50 năm, người ta có quyền chép lại tranh của họ mà không hề vi phạm pháp luật.
Trong khi đó, từ những vụ việc gần đây, dư luận cũng mong muốn có tiếng nói mạnh mẽ hơn từ phía gia đình các họa sĩ, hay người đang sở hữu bức tranh gốc. Tuy vậy, điều này cũng không đơn giản. Liên quan đến bức bình phong nhái bức “Nhà ngói cây mít” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, đại diện gia đình họa sĩ cho biết, không có ý định liên hệ Sotheby's, chỉ muốn thông tin sự việc qua báo chí để công chúng biết. Còn đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - nơi bức “Nhà ngói cây mít” đang trưng bày nói, chỉ có trách nhiệm xác thực tác phẩm gốc, không liên hệ, phản hồi với nhà đấu giá.
Bên cạnh đó, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Bộ VHTTDL cần có những động thái mạnh mẽ hơn để bảo vệ di sản mỹ thuật Việt Nam.
Có vẫn hơn
Giới họa sĩ và một số giám tuyển nghệ thuật đều cho rằng, trước một nghi vấn tranh giả ký tên họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, có phản ứng vẫn hơn. “Sự im lặng càng khiến các đối tượng làm tranh giả và buôn bán tranh giả hưởng lợi”, một giám tuyển nghệ thuật chia sẻ.
Thực tế, liên quan đến việc dư luận Việt Nam phản ứng về bức bình phong nhái bức “Nhà ngói cây mít” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, ngày 6/10, trên website của mình, nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong thông báo: "Sotheby’s nhận thức được những lo ngại về tính xác thực của tác phẩm “L'image traditionnelle d'une maison de paysan” (Hình ảnh một nhà tranh truyền thống) của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ. Chúng tôi sẽ rút tác phẩm này khỏi phiên đấu giá và tiếp tục điều tra thêm về nghi vấn này".
Trước sự việc trên, họa sĩ Nguyễn Bình Minh - con gái họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ chia sẻ: "Gia đình chúng tôi cảm ơn ý kiến của giới chuyên môn mỹ thuật và giới truyền thông thời gian qua đã đặt nghi vấn về vấn nạn tranh giả, trong đó có tranh giả từ tác phẩm của cha tôi. Nhà đấu giá đã có phản hồi đúng đắn. Tôi hy vọng trường hợp này sẽ không tái diễn".
Sự việc này khiến nhiều người liên tưởng tới mấy bức tranh đề tên họa sĩ Bùi Xuân Phái được nhà đấu giá Drouot đưa ra đấu vào ngày 16/10, sau khi cộng đồng mỹ thuật Việt Nam phản ứng, nhà đấu giá này đã hạ 3 bức tranh giả được cho là của họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhưng vẫn để những bức khác, trong đó có tranh Lê Phổ.
Điều này cho thấy, những tiếng nói phản biện đã được tiếp nhận và đã tránh được những cuộc đấu giá “xấu xí” ảnh hưởng tới nền mỹ thuật Việt Nam.