Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây cho biết, ngày càng có nhiều bằng chứng về việc dịch bệnh do chủng mới virus corona (Covid-19) gây ra có liên quan tới virus corona ở dơi Rhinolophus. Loài này thường sống chủ yếu ở phía Nam Trung Quốc, châu Á, châu Phi và vùng Trung Đông.
Các nhà khoa học đang nỗ lực xác định nguồn gốc dẫn tới lây truyền virus corona.
Đáng chú ý, các nghiên cứu huyết thanh học được tiến hành với người dân nông thôn sống gần các hang động có dơi sinh sống cho thấy tỉ lệ huyết thanh dương tính với virus corona ở phân loài dơi này là 2,9%. Điều này cho thấy sự tiếp xúc giữa con người với dơi có thể phổ biến.
Theo trang National Post, cách đây 15 năm, các nhà khoa học đã phát hiện trong một hang động ở miền Nam Trung Quốc (vị trí chính xác được giữ kín) những con dơi mang theo các loại virus gần như giống với Covid-19 và các virus gây ra dịch SARS, MERS.
Ông Peter Daszak- Chủ tịch Tổ chức phi lợi nhuận EcoHealth Alliance ở Mỹ, cho biết một trong 500 chủng virus corona được phát hiện lúc bấy giờ tương tự với Covid-19 tới 96%. Các nhà khoa học đã tìm ra hang động trên khi truy tìm dấu vết những loại virus tương tự virus gây ra dịch SARS năm 2003.
Tuy nhiên, con đường lây truyền virus sang người vẫn chưa rõ. Theo báo cáo của WHO, dơi hiếm khi được tìm thấy tại các khu chợ ở Trung Quốc. Người dân thường bắt chúng và bán trực tiếp cho các nhà hàng để làm món ăn. Giả thuyết có khả năng nhất vào lúc này là một động vật giữ vai trò trung gian truyền bệnh. Trước đó, có các nghiên cứu nghi ngờ những động vật hoang dã như dơi, rắn, tê tê là vật chủ trung gian truyền Covid-19.
Hiện các chuyên gia Trung Quốc và các nước khác đang nỗ lực xác định nguồn gốc dẫn tới lây truyền virus mới này.