Thời gian qua, công tác giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã từng bước đi vào nề nếp và hoạt động có hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao, dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ. Nội dung giám sát được lựa chọn trên nhiều lĩnh vực mà các tầng lớp nhân dân quan tâm, bức xúc, phản ánh.
Ban GSÐTCÐ phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ giám sát thi công Dự án LIA -kè suối Hồng Líu. Ảnh: Nguyễn Hiền.
Có được kết quả đó, theo Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên Nguyễn Thị Nga, là do cách thức tổ chức giám sát của MTTQ các cấp có nhiều sáng tạo, phương pháp giám sát được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm đúng nguyên tắc và quy trình từ việc hiệp thương xây dựng kế hoạch năm, kế hoạch theo chuyên đề, quyết định thành lập đoàn, báo cáo kết quả giám sát và kiến nghị sau giám sát đảm bảo đánh giá đúng thực trạng, khách quan.
5 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp đã tổ chức được 213 cuộc giám sát, trong đó Ủy ban MTTQ các cấp giám sát 196 cuộc, các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp giám sát 17 cuộc. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức 10 cuộc giám sát bằng hình thức tổ chức đoàn giám sát, như: Giám sát bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021… Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp lựa chọn nội dung giám sát và hình thức giám sát phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, phù hợp với điều kiện của đơn vị.
Với phương châm hướng về cơ sở, ở cấp huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 31 cuộc giám sát, điển hình có huyện Tuần Giáo, thị xã Mường Lay. MTTQ các xã, phường, thị trấn tổ chức 155 cuộc giám sát, đặc biệt tích cực giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân với 930 cuộc giám sát, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng với 836 cuộc.
“Hoạt động giám sát của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ đã góp phần quan trọng phát huy dân chủ từ cơ sở, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động gây thất thoát lãng phí tài sản nhà nước, đầu tư sai quy hoạch, sai quy định...”- bà Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh.
Bà Nga cũng ghi nhận công tác giám sát không thể tách rời hoạt động của các tổ chức thành viên, nhất là các đoàn thể chính trị-xã hội. Vì vậy hàng năm MTTQ các cấp đã chủ động tổ chức hội nghị cùng trao đổi, thống nhất về cách thức, nội dung, đối tượng giám sát của từng đoàn thể chính trị-xã hội. Trên cơ sở kế hoạch đã hiệp thương, các đoàn thể chính trị- xã hội các cấp trong tỉnh đã chủ trì, phối hợp với MTTQ các cấp tổ chức 17 cuộc giám sát: Thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn gia súc; việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; Thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số...
“Thông qua công tác giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các đoàn thể chính trị-xã hội đã kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý hàng trăm ý kiến về những tồn tại, hạn chế, khó khăn tới Trung ương, chính quyền các cấp, các ban ngành liên quan. Về cơ bản các kiến nghị được các cấp, các ngành quan tâm xử lý giải quyết hoặc tiếp thu để giải quyết, qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân”- bà Nga nhấn mạnh.