Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

Phạm Sỹ 04/10/2023 07:00

Hà Nội là địa phương đứng đầu trong cả nước khi sở hữu khối lượng di sản văn hóa đồ sộ. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị những di sản nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng trên địa bàn đặc biệt được quan tâm. Trong đó, vị trí và vai trò của các nghệ nhân luôn được đề cao, bên cạnh chính sách đãi ngộ.

Lễ hội làng Mọc được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, năm 2021. Ảnh: Tùng Long.

Khẳng định vai trò của nghệ nhân

Cuộc sống hiện đại cùng với quá trình giao lưu, hội nhập, các yếu tố văn hóa, nghệ thuật diễn xướng dân gian… có nguy cơ bị mờ nhạt, mất bản sắc, thậm chí không còn lưu giữ được.

Ðứng trước những thách thức của quá trình phát triển đó, các nghệ nhân có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, nghệ nhân là những người kế tục các di sản, là linh hồn của cộng đồng dân cư, những nghệ nhân còn là kho tư liệu đồ sộ, cơ sở dữ liệu phản ánh, thực hành và truyền dạy các giá trị văn hóa. Chính vì vậy, việc nhìn nhận đúng vai trò của nghệ nhân trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa càng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của văn hóa Thủ đô.

Thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, thành phố hiện có 1.793 di sản được kiểm kê. Trong số đó, Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Hát Ca trù được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO và 26 di sản thuộc nhiều loại hình được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, Hà Nội còn có hàng nghìn di sản được phân bố ở khắp các quận, huyện.

Có hàng nghìn nghệ nhân, nhiều câu lạc bộ thuộc các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã và đang tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị. Sau 3 đợt phong tặng, Hà Nội có 131 nghệ nhân với 18 nghệ nhân nhân dân và 113 Nghệ nhân ưu tú thuộc các loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian, Tập quán xã hội và tín ngưỡng, Tri thức dân gian.

Tại các quận, huyện, thị xã, thống kê có 531 câu lạc bộ (CLB) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể với phần đa là các CLB gắn với lễ hội truyền thống, chỉ có 66 CLB có Quyết định thành lập, chủ yếu do UBND cấp xã ban hành.

Theo PGS.TS Trần Thị An - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, trong mối quan hệ giữa di sản văn hóa phi vật thể với việc hình thành bản sắc văn hóa người Hà Nội, nghệ nhân với vai trò là trung tâm trao truyền di sản, nhân vật năng động và sáng tạo trong thực hành di sản góp phần lớn trong việc trao truyền những giá trị tinh túy của văn hóa hàng nghìn năm, giúp kiến tạo vốn văn hóa cho con người Hà Nội hôm nay.

Những năm qua, Hà Nội đã và luôn có những chính sách quan tâm tới công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trong đó có việc vinh danh các nghệ nhân, những người sáng tạo, gìn giữ, phát huy và trao truyền lại cho các thế hệ kế tiếp để các loại hình di sản văn hóa truyền thống được tồn tại, phát triển cùng với sự phát triển chung của xã hội.

Tại Nghị quyết số 23/2022, HĐND thành phố Quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, nghệ nhân và câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể TP Hà Nội, với nhiều mức hỗ trợ. Đến nay, đã có 14/18 nghệ nhân nhân dân và 101/113 nghệ nhân ưu tú nhận được hỗ trợ với tổng kinh phí gần 3,6 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, các nghệ nhân đều rất phấn khởi khi nhận được kinh phí đãi ngộ, điều đó có ý nghĩa to lớn, kịp thời động viên, khích lệ các nghệ nhân tiếp tục gìn giữ, bảo vệ, trao truyền, quảng bá, phát huy giá trị các di sản đang nắm giữ. Chúng tôi mong rằng các nghệ nhân sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa cho cộng đồng, địa phương của mình, góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn TP Hà Nội.

Múa Bồng Triều Khúc - điệu múa cổ đất Thăng Long.

Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Sở hữu số lượng lớn di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp để các di sản được bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị. Trên cơ sở kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, thành phố đã triển khai các hoạt động hỗ trợ công tác truyền dạy di sản văn hóa tại nhiều địa phương, với nhiều di sản.

Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản đạt hiệu quả hơn, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã xây dựng dự thảo Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2021-2025, trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt. Ngày 18/2/2022, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 55 về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đến năm 2025.

Theo TS Lê Thị Minh Lý, các nghệ nhân cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình thông qua các hoạt động: Thực hành và truyền dạy; tư liệu hóa, truyền thông và tham gia giáo dục di sản; chia sẻ, học hỏi và sáng tạo ra sản phẩm mới; bảo vệ sự đa dạng văn hóa của Thủ đô, quốc gia và nhân loại; tham gia các hoạt động xã hội của thành phố với vị thế và trách nhiệm của nghệ nhân. Còn đối với các nhà quản lý cần đánh giá lại về chính sách, về hiệu quả, về các vấn đề cần rút kinh nghiệm sau 3 đợt phong tặng danh hiệu; xây dựng tiêu chí mới, quy trình mới theo luật mới, chính sách mới.

Theo GS.TS Lê Hồng Lý (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), để tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ nhân có môi trường thực hành và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể đang nắm giữ, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách dành cho đối tượng này được quy định trong Luật Di sản văn hóa, Luật Thi đua - Khen thưởng và các luật liên quan; tăng cường tổ chức các chương trình hỗ trợ và quảng bá về nghệ thuật và di sản văn hóa; khuyến khích sáng tạo và đầu tư vào các chương trình hỗ trợ và quảng bá để tăng cường sự phát triển của nghệ thuật và di sản văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO