Nhiệm kỳ qua, dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng Mặt trận Bến Tre đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ công tác, với 17/18 chỉ tiêu đạt và vượt. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về những nỗ lực, thành tựu thời gian qua.
Thưa Chủ tịch, hệ thống Mặt trận tỉnh Bến tre được đánh giá có nhiều đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động phong trào thi đua yêu nước. Xin bà cho biết những kết quả nổi bật trong 5 năm qua?
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung: Các cuộc vận động, các phong trào thi đã được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả thiết thực. Nhờ vậy đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua, lao động sáng tạo của nhân dân. Trong đó phải kể đến các hoạt động cụ thể như:
Quỹ “Vì người nghèo” 3 cấp vận động, tiếp nhận được gần 191 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” trên, tỉnh đã chi hỗ trợ xây dựng hơn 3 nghìn căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương. Ngoài ra, các đơn vị vận động chi hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo hiếu học; trao phương tiện sinh kế, xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn… với tổng số tiền hơn 670 tỷ đồng. Có 110 xã, phường cơ bản xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, trong đó các địa phương thực hiện tốt việc hỗ trợ nhà gồm: Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú, Châu Thành và thành phố Bến Tre cơ bản xóa nhà tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cùng với chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc vận động nguồn lực phòng, chống dịch bệnh Covid-19, MTTQ Việt Nam các cấp đã tiếp nhận kinh phí gần 104 tỷ đồng, trong đó cấp tỉnh hơn 67 tỷ đồng, 6 máy ATM gạo với trên 150 tấn gạo và nhiều trang thiết bị y tế, hàng hóa, lương thực, thực phẩm quy ra tiền gần 28 tỷ đồng.
Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng thành công 140 mô hình và 4 điển hình về phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên, Công an xây dựng 15 mô hình đang phát huy hiệu quả. Chú trọng xây dựng, nhân rộng những mô hình ở các cơ sở thờ tự của các tôn giáo như: Mô hình “Họ đạo bình yên, tự quản về an ninh, trật tự”, “Xóm đạo bình yên”, “Họ đạo liên giao, tự quản về an ninh trật tự”…
Do ảnh hưởng xâm nhập mặn sâu, kéo dài, gây ảnh hưởng rất nặng nề đối với cuộc sống và sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã triển khai phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”, vận động nhân dân thực hiện phong trào thi đua trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và chăn nuôi; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tích cực tham gia các công trình, dự án phòng chống hạn mặn. Qua phát động đã có nhiều mô hình mới, cách làm hay, bao gồm: Tự trang bị dụng cụ chứa nước, vận động nguồn lực hỗ trợ dụng cụ chứa nước cho người có hoàn cảnh khó khăn, đào ao, đắp đập trữ nước mưa, nước ngọt.
Về công tác giám sát và phản biện xã hội được thực hiện đi vào nền nếp, chất lượng, hiệu quả. MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, tham mưu cho cấp ủy Đảng, phối hợp chính quyền chỉ đạo, giải quyết nhiều vấn đề bức xúc trong nhân dân…
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ở nhiệm kỳ qua, hoạt động của hệ thống Mặt trận tỉnh còn tồn tại những hạn chế nào cần khắc phục, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung:Công tác phối hợp tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có lúc, có nơi chưa được chặt chẽ, sâu rộng, một số phong trào triển khai nhưng không được duy trì thường xuyên, thiếu bền vững, chưa huy động đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia. Từ đó sự đồng thuận của một bộ phận người dân đối với một số chủ trương của Đảng, chính quyền, triển khai các công trình, dự án chưa cao.
Mối quan hệ phối hợp giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên ở một số nơi chưa thật sự hiệu quả, chưa đảm bảo tốt chế độ thông tin, báo cáo. Việc nắm và phản ánh dư luận xã hội trong dân đôi lúc còn thiếu kịp thời.
Bên cạnh đó, chưa phát huy hết vai trò của các vị Ủy viên Ủy ban thuộc các nhóm chuyên gia, cá nhân tiêu biểu, người có uy tín, thành viên hội đồng tư vấn… Việc cụ thể hóa hướng dẫn của Mặt trận Trung ương, các chủ trương của Đảng có lúc còn chậm; tài liệu phục vụ chưa kịp thời.
Công tác phối hợp, phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, quy trình thực hiện giám sát, phản biện xã hội chưa phát huy hiệu quả ở một vài thời điểm. Bản lĩnh cán bộ Mặt trận thực hiện việc này ở cơ sở còn hạn chế; chưa phát huy hết khả năng đội ngũ chuyên gia, những người am hiểu về pháp luật.
Hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thường xuyên thay đổi, nhất là chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch đã ảnh hưởng đến quá trình theo dõi lãnh đạo; đại dịch Covid-19, tác động của thiên tai, khủng hoảng kinh tế của thế giới cũng đã tác động tiêu cực đến hiệu quả công tác Mặt trận.
Từ thực tế trên, phương hướng, mục tiêu hoạt động của MTTQ tỉnh thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào nhằm khắc phục những khó khăn, đồng thời phát huy hơn nữa thành quả đã đạt được?
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung: Thời gian năm tới, dự báo tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp, thuận lợi và thách thức đan xen nhưng có khả năng khó khăn sẽ nhiều hơn. Vì vậy, hệ thống Mặt trận tỉnh sẽ nỗ lực nhằm đảm bảo tổ chức Mặt trận ổn định, đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, vị trí, vai trò của mình trong công tác.
MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ làm tốt vai trò nòng cốt để nhân dân là chủ, lấy nhân tố con người là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, mục tiêu chủ yếu của Đại đoàn kết toàn dân tộc; chủ động tham gia vào quá trình bảo đảm, chăm lo đời sống của nhân dân.
Mục tiêu cụ thể, phấn đấu hằng năm mỗi xã, phường, thị trấn có 1 mô hình tuyên truyền hiệu quả. Chủ động, tích cực vận động người dân đồng thuận tham gia thực hiện các công trình, dự án trọng điểm tại địa phương; các sản phẩm OCOP, các dự án khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số.
Tổ chức vận động, quyên góp nguồn lực ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” ít nhất 30 tỷ, riêng cấp tỉnh 20 tỷ đồng, huyện và cơ sở 10 tỷ đồng nhằm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Huy động nguồn lực phấn đấu xóa nhà tạm cho gia đình chính sách khó khăn trong năm 2024; nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh trong năm 2025, đến cuối nhiệm kỳ hỗ trợ xây dựng mới ít nhất 2.500 căn nhà đại đoàn kết.
Bên cạnh đó, 100% Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh thực hiện công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Vận hành có hiệu quả hệ thống văn bản điều hành iOffice, triển khai tốt ứng dụng phục vụ công tác chuyển đổi số của MTTQ Việt Nam trên địa bàn tỉnh.
Nhằm mở rộng, nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận, trong nhiệm kỳ, tập hợp và phát triển thêm ít nhất 2 tổ chức thành viên. Đến cuối nhiệm kỳ có khoảng 43 tổ chức thành viên, phấn đấu ít nhất 80% cán bộ Mặt trận được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ công tác. Xây dựng 30% Ban Công tác Mặt trận ấp, khu phố vững mạnh, toàn diện…
Trân trọng cảm ơn bà!
10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Mặt trận tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2019-2024:
1. Tích cực, chủ động tham gia thực hiện công tác phòng chống thiên tai (hạn mặn 2019-2020).
2. Tích cực, chủ động huy động nguồn lực tham gia phòng chống Covid 19.
3. Huy động nguồn lực xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, xóa nhà tạm cho hộ dân tộc…
4. Hoạt động Ngày hội “Văn hóa Xứ dừa”, “Cộng đồng vui hội làng dừa”.
5. Công tác Giám sát, phản biện xã hội.
6. Các hoạt động kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát.
7. Thực hiện phong trào thi đua “Đồng khởi mới”: tạo đồng thuận xã hội tham gia các công trình dự án trọng điểm, giảm nghèo bền vững.
8. Tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026, bầu cử Trưởng ấp, khu phố
9. Duy trì họp mặt chức sắc tôn giáo, biểu dương chức sắc tiêu biểu hàng năm.
10. Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 04/NQ-ĐCT-MTTW ngày 01/8/2003 về tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”.