Để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì việc cán bộ, đảng viên phải “tự giác nêu gương” trong chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước là yếu tố then chốt. Điều đó cũng nằm ở trách nhiệm trong phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy về giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, vai trò, trách nhiệm nêu gương.
Ông Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hoá-Xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu trong tu dưỡng rèn luyện.
PV: Thưa ông, hiện nay chúng ta đang xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần tiếp tục đề cao trách nhiệm nêu gương và tự giác nêu gương đi đầu trên mọi lĩnh vực. Vậy làm sao để phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên?
Ông Nguyễn Viết Chức: Để phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu: “Nêu gương trước hết từ các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương trở xuống. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương. Người có chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu trong tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong lề lối công tác để quần chúng nhân dân noi theo”. Các Ủy viên Trung ương Đảng hiện nay đều là lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành. Anh phải nêu gương, bởi anh là người đứng đầu. Nếu bộ, ngành, tỉnh, thành của anh không có tham nhũng, tiêu cực, kinh tế phát triển thì cần phải khen người đứng đầu.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, nêu gương cần gắn với công tác thi đua khen thưởng, và đây là việc quan trọng. Bởi làm tốt phải được khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc. Sự khen thưởng về tính nêu gương của cán bộ, đảng viên sẽ động viên họ phấn đấu hơn, cũng như là gương sáng để quần chúng nhân dân “trông vào” và học tập theo. Có như thế mới khích lệ cán bộ, đảng viên phấn đấu hơn, nhất là trong điều kiện hiện nay công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được đẩy mạnh, ngày càng cam go, ngày càng quyết liệt. Cho nên việc nêu gương của cán bộ, đảng viên là vô cùng cần thiết. Ai làm sai phải bị xử lý, kỷ luật, và kỷ luật nghiêm minh. Còn ai làm tốt thì khen thưởng để nêu gương.
Chúng ta phải xác định, trong điều kiện đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực một cách quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ thì song song với đó cần gắn với việc phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nêu những tấm gương tốt. Tôi cho rằng, đa phần cán bộ của chúng ta là tốt. Nhiều định chế tài chính quốc tế đánh giá kinh tế nước ta đã tăng trưởng vượt bậc. Để đóng góp vào đó là trách nhiệm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Trong đó, có sự đóng góp của các cán bộ, đảng viên.
Việc nêu gương phải xuất phát từ người đứng đầu, bởi cấp dưới thường nhìn vào “thủ trưởng” của mình. Nhưng thời gian qua nhiều người đứng đầu vi phạm bị xử lý kỷ luật, vậy làm sao để người đứng đầu phải là tấm gương cho cấp dưới nhìn vào, thưa ông?
- Thời điểm nào cũng thế, đều có người tốt, người xấu, nếu cán bộ đều xấu cả thì làm sao đất nước ta phát triển được? Chúng ta cần nhìn nhận khách quan rằng đa phần cán bộ, đảng viên của ta là tốt. Bản thân Đảng cũng đã xác định “có một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hoá, biến chất”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, nhưng “một bộ phận không nhỏ” không có nghĩa là đa số.
Chính sách của Đảng, Nhà nước ta rất rõ ràng. Nghị quyết của Đảng cũng nêu rõ trách nhiệm vị trí, vai trò của người đứng đầu. Nghị quyết Trung ương 4, khoá XIII cũng nói rất rõ nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng cán bộ chiến lược chất lượng, đặc biệt là người đứng đầu có đủ phẩm chất, uy tín, năng lực để hoàn thành nhiệm vụ. Khi người đứng đầu được đề cao thì phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để cấp dưới noi theo.
Tôi nhấn mạnh rằng, không xã hội nào chỉ có cái tốt, mà không có cái xấu. Đảng ta đã kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, đã làm quyết liệt để trong sạch Đảng. Trong sạch Đảng thì ai có khuyết điểm phải bị xử lý, kỷ luật.
Vấn đề là chúng ta cần tìm ra nhân tố tốt về sự nêu gương để nhân rộng. Báo chí là một trong những kênh quan trọng, trong đó có Báo Đại Đoàn Kết cần tìm ra các nhân tố tốt đó. Thực tế có nhiều cán bộ, đảng viên là Bí thư, Chủ tịch dấn thân, xắn quần lên đầu gối làm việc cùng nông dân. Vấn đề không nằm ở lội ruộng, mà là tinh thần của họ gắn bó với dân, gắn bó với sự nghiệp cách mạng. Những tấm gương về cán bộ, đảng viên tốt như thế phải được nêu lên, biểu dương. Gương của những con người cụ thể sẽ góp phần vào chống tham nhũng, tiêu cực. Ai có công hưởng công, ai có tội phải chịu tội.
Chúng ta chống tiêu cực quyết liệt thì cổ vũ những tấm gương người tốt, việc tốt cũng phải nhanh chóng, chính xác, đúng người, đúng việc và kịp thời. Đất nước đang phát triển. Trong điều kiện hiện nay, cùng với đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực thì nêu gương người tốt việc tốt là vô cùng cần thiết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp”. Vì thế làm sao để chúng ta có nhiều người tốt, việc tốt để có rừng hoa đẹp. Lúc đó xã hội mới yên bình, tươi đẹp.
Không chỉ người đứng đầu mà chính sự nêu gương của cán bộ, đảng viên cũng là việc để khích lệ quần chúng vươn lên, phát triển theo hướng tốt, đóng góp cho xã hội, thưa ông?
- Lâu nay “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Người dân luôn luôn tin như vậy. Đảng viên phải đi trước, làng nước theo sau vì Đảng là tiên phong, đảng viên phải đi trước vào chỗ khó khăn, gian khổ để cống hiến, làm cho đất nước phát triển. Thời chiến tranh là giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Nhưng trong hoà bình, để đất nước phát triển, hội nhập với khu vực quốc tế thì đảng viên cũng phải đi trước. Nếu như cán bộ, đảng viên nêu gương và khen thưởng họ kịp thời thì tấm gương đó sẽ lan tỏa. Bây giờ lan tỏa nhiều cái tốt sẽ hạn chế cái xấu, và cái xấu sẽ ít đi. Việc cán bộ, đảng viên nêu gương mà được lan tỏa sẽ tạo thêm nhiều sức mạnh trong xã hội.
Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên cần gắn liền với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị cả về nhận thức và hành động, thưa ông?
- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần phải thực tế, chứ không phải là lý thuyết suông. Cụ thể như tiết kiệm thì như thế nào? Vì dân thì như thế nào? Tức là phải cụ thể và gắn với công việc của mình chứ không phải học chung chung. Ví như trong sinh hoạt hàng ngày thể hiện học tập làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Ngay cả chuyện cần, kiệm trong sinh hoạt hàng ngày nếu không gương mẫu, nêu gương thì dân biết ngay.
Hay như trong một tập thể cũng vậy. Người đứng đầu có thể xuất sắc, nhưng anh, em có khi còn xuất sắc hơn, do đó cần khen thưởng họ. Đảng viên phải “khó khăn vất vả đi trước”, còn “hưởng thụ đi sau”. Như thế phong trào thi đua mới phát triển lành mạnh và tốt. Chứ cứ khen thưởng theo cấp, theo chức là không đúng. Như thế lại trở thành hình thức và không tốt, không là nêu gương cho cấp dưới, hay quần chúng noi theo.
Thưa ông, việc nêu gương của cán bộ đảng viên phải mạnh từ trong Chi bộ. Bởi có Chi bộ tốt thì mới có Đảng bộ tốt?
- Đúng, phải bắt đầu nêu gương ngay từ cơ sở. Nêu gương phải từ việc nhỏ, cụ thể từ cơ sở, từ chi bộ, từ các đảng viên, sau đó mới tới quần chúng. Nếu cán bộ đảng viên mà quan tâm tới đời sống của người dân, được người dân yêu quý, thì đó là một tấm gương tốt. Tôi được biết nhiều Chi bộ có người tuổi cao, thậm chí nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục tham gia công tác ở phường, xóm được nhân dân tin tưởng và yêu mến. Đó cũng là những tấm gương về người đảng viên tốt.
Tại các Chi bộ, hàng năm chúng ta đều có việc chọn một số đảng viên để giám sát. Nếu làm thực chất và giám sát tốt sẽ phát huy được việc nêu gương. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
- Cần chống bệnh hình thức trong sinh hoạt Chi bộ. Người tốt thì biểu dương kịp thời, người chưa tốt thì góp ý, phê bình, tự phê bình một cách kịp thời. Đó cũng chính là một trong những biện pháp nâng cao uy tín của Đảng, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam:
Trách nhiệm càng cao, cương vị càng lớn, càng cần phải nêu gương
Từ Đại hội VI đến đại hội VII của Đảng chúng ta đã thấy xuất hiện một số đảng viên có chức có quyền thoái hóa biến chất. Đến đại hội VIII thì không phải là một số nữa, mà báo cáo chính trị nêu rõ một bộ phận cán bộ đảng viên có chức, có quyền thoái hóa biến chất. Và Đại hội VIII mới đưa ra Hội nghị Trung ương 6 lần 2 thành lập Ban phòng, chống tham nhũng. Đến Đại hội IX thì báo cáo đã chỉ ra là có một bộ phận không nhỏ đảng viên có chức, có quyền thoái hóa biến chất.
Nói như vậy để thấy, khi phát triển kinh tế nhiều thành phần, nếu không giáo dục đảng viên và không giám sát những người có chức có quyền, nhất là những người đứng đầu thì tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày càng nghiêm trọng hơn. Mỗi năm số người vi phạm pháp luật là cán bộ chủ chốt ngày càng tăng. Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh ở đây là người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng cần phải nêu gương về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách làm việc, học tập, sinh hoạt.