Sáng 20/7, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với các Sở GD&ĐT trong cả nước về tổng kết nhiệm vụ năm học 2015-2016, triển khai nhiệm vụ giáo dục mầm non năm 2016-2017. Chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, các lãnh đạo Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT).
Ảnh minh họa.
Báo cáo kết quả của bậc học mầm non trong năm học vừa qua, Vụ trưởng vụ Giáo dục mầm non (GDMN) Nguyễn Bá Minh nhấn mạnh: Bậc học GDMN cả nước trong năm qua đã đạt được nhiều thành tích nổi bật.
Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được huy động ngày càng cao; tỷ lệ huy động nhà trẻ, mẫu giáo đều thực hiện vượt kế hoạch đề ra. Từ nguồn lực của các địa phương, các chương trình dự án, cơ sở vật chất trường lớp cũng được củng cố, tỷ lệ trường học kiên cố, trường đạt chuẩn quốc gia tăng đều tăng so với năm học trước.
Đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên có sự phát triển về số lượng, chất lượng, đạt tỷ lệ 1,76 giáo viên/lớp. Công tác quản lý được đổi mới, tăng tính tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ và trong phân cấp quản lý giáo dục. Việc quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, qua trao đổi với đại diện các sở GD&ĐT trong Hội nghị, cũng đã có khá nhiều những ý kiến trăn trở, lo lắng xung quanh bậc học mầm non. Trong đó nổi bật là những ý kiến về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ chưa đồng đều ở các vùng, miền; đội ngũ giáo viên (định biên) còn thấp so với quy định; tỷ lệ phòng học kiên cố chưa cao, còn nhiều phòng tạm, phòng học nhờ...
Về điều này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đồng tình chia sẻ: GDMN năm vừa rồi được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã đạt được một số thành quả đáng phấn khởi. Tuy nhiên vẫn có đó rất nhiều khó khăn, rất nhiều việc phải làm.
Theo Thứ trưởng Nghĩa: Việc khó khăn cần phải giải quyết, thứ nhất là thiếu trường lớp. Hiện nay trường lớp vẫn chưa đảm bảo được nhu cầu đến trường của trẻ mầm non cũng như nhu cầu chăm sóc giáo dục trẻ, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Mặc dù những địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương đã có nhiều cố gắng, nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều tỉnh có các khu công nghiệp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Con trẻ của các công nhân thì vẫn còn phải gửi ở những nhóm trẻ chưa được cấp phép, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ.
Điều thứ hai là cơ sở vật chất trường lớp chưa được đầu tư, đảm bảo. Vẫn còn nhiều nơi phải học nhờ, học tạm. Những vùng miền núi, đặc biệt khó khăn thì còn nhiều điểm trường lẻ gây khó khăn cho việc đầu tư cơ sở vật chất, chất lương giáo dục cho trẻ.
Đặc biệt là chất lượng GDMN cũng chưa thật sự đồng đều ở các vùng miền. Những khó khăn kể trên, theo Thứ trưởng Nghĩa cũng chính là những việc lớn mà ngành GD&ĐT cần phối hợp cùng các địa phương triển khai trong năm học 2016 – 2017.