Thời gian qua, việc phát triển rau an toàn (hạn chế tối đa thuốc trừ sâu cũng như chất kích thích tăng trưởng) được nhiều địa phương thực hiện. Từ đó, đem lại nguồn lợi tích cực cho người nông dân. Tuy nhiên, để diện tích rau an toàn nhiều hơn thì cũng cần những nỗ lực lớn hơn.
Hoa quanh vườn rau ở Bản Phòng của đồng bào Thái (Nghệ An).
Khoảng 5 năm nay, người dân Bản Phòng (xã Thạch Giám, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) đã phát triển vườn rau an toàn. Rau ở đây được trồng hoàn toàn bằng phương pháp truyền thống, không dùng bất kỳ loại hóa chất nào. Từ đó, “rau Bản Phòng” đã trở thành thương hiệu trong vùng. Điều đó nói thì dễ nhưng thực sự làm không hề dễ. Trồng rau an toàn cần nhiều công chăm sóc hơn, thời gian thu hoạch cũng lâu hơn, vì thế đòi hỏi phải có nhận thức đúng và phải kiên trì trong hoạt động sản xuất.
Để tăng cường phát triển rau - củ - quả phục vụ bữa ăn hằng ngày khi mà các loại thực phẩm khác (như thịt, cá…) giảm dần trong khẩu phần bữa ăn của mỗi gia đình, nhất là các gia đình thành phố- cần nhân rộng các mô hình trồng rau sạch, hiệu quả.
Thời gian qua, tại Đồng bằng sông Cửu Long, mô hình canh tác “Quản lý dịch hại tổng hợp trên ruộng lúa bằng công nghệ sinh thái”- được nông dân gọi là “ruộng lúa bờ hoa” phát triển khá mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều nơi, trên ruộng lúa, bà con trồng nhiều loại hoa ven bờ để dẫn dụ côn trùng có ích hút mật, sinh sản, gia tăng quần thể thiên địch, góp phần chống sâu rầy bảo vệ lúa, nâng cao thu nhập.
Có thể kể đến mô hình do chuyên gia Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) triển khai thí điểm đầu tiên ở huyện Cai Lậy và Cái Bè (Tiền Giang) từ vụ đông xuân 2009-2010. Nông dân trong vùng được hướng dẫn trồng nhiều loại hoa chung quanh khu ruộng. Kết quả, tính trên mỗi ha tiết kiệm được đến 500 nghìn đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật và công phun. Sau Tiền Giang, tỉnh thứ hai thực hiện là An Giang trong 3 vụ liên tiếp. Thực tế là ruộng lúa gần như không phải phun thuốc trừ sâu mà vẫn đạt năng suất hơn 6 tấn/ha ở vụ hè thu và thu đông, còn vụ đông xuân lên đến hơn 7 tấn/ha, tăng gần 1 tấn/ha so canh tác bình thường.
Bà con nông dân những địa phương canh tác theo lối “ruộng lúa bờ hoa” cho biết, khi trồng những cây ra hoa mầu trắng và mầu vàng thường có nhiều phấn, sẽ càng thu hút nhiều thiên địch đối với các loài sâu hại nên không phải phun thuốc nhiều hóa chất. Ðặc biệt, những thiên địch như nhện, bọ rùa... bắt sâu cuốn lá, rầy và các loài sâu hại khác rất giỏi nên ruộng không cần phun thuốc trừ sâu mà hầu như không xảy ra dịch bệnh gì. Mô hình “ruộng lúa bờ hoa” cũng giúp giảm ô nhiễm môi trường, tạo được cân bằng sinh thái trên đồng ruộng và còn giúp nông dân bảo vệ sức khỏe, nâng cao trình độ kỹ thuật, nhất là trong quản lý dịch hại trên ruộng lúa. Ðây là mô hình được coi là phù hợp với việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững.
Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả mô hình “ruộng lúa bờ hoa” theo công nghệ sinh thái cần thì ruộng phải có bờ cao, rộng hợp lý, không bị ngập úng hay mặt bờ quá hẹp. Còn về giống các loài hoa được khuyến cáo trồng trên bờ để vừa có tác dụng thu hút, nhân nuôi tốt các loài côn trùng có ích, nhất là loài ong ký sinh, thì bao gồm nhiều loại như: hoa cẩm chướng, hoa cúc, hoa quỳ, hướng dương, bông trang, mè, đậu bắp, đậu xanh... Những loài hoa này nên trồng trước khi sạ lúa, tốt nhất là khoảng một tháng để thu hút các loài côn trùng có ích trước khi cây lúa cần bảo vệ.
Từ sự thành công của mô hình “ruộng lúa bờ hoa” tại Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy nhiều nơi trên cả nước cũng có thể áp dụng.