Dân tộc Brâu và Rơ Măm là 2 trong 10 dân tộc ít người nhất cả nước. Hiện ở tỉnh Kon Tum, 2 dân tộc này chỉ có khoảng 1.000 người sinh sống, tập trung chủ yếu ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy và thôn Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi - 2 huyện biên giới của tỉnh.
Trang phục của người Brâu.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà về việc nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho đồng bào các dân tộc nói chung, nhất là đồng bào dân tộc hiện còn rất ít người, UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội dân tộc thiểu số rất ít người Rơ Măm và Brâu đến năm 2025 với tổng kinh phí hỗ trợ 159 tỷ 259 triệu đồng.
Đề án được triển khai thực hiện tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy-nơi sinh sống tập trung của dân tộc Rơ Măm và tại thôn Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi -nơi sinh sống tập trung của dân tộc Brâu.
Mục tiêu của Đề án sẽ tập trung vào việc hỗ trợ xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng Le và thôn Đăk Mế phấn đấu theo định hướng tiêu chí xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ các điều kiện để phát triển sản xuất; hỗ trợ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tuyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào; hỗ trợ đào tạo, sử dụng cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị và hỗ trợ về giáo dục và y tế....
Trong đó, kinh phí hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội dân tộc Brâu 68 tỷ 376 triệu đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ 65 tỷ 702 triệu; nguồn vốn lồng ghép các chính sách khác 2 tỷ 673 triệu đồng); hỗ trợ dân tộc Rơ Măm 90 tỷ 883 triệu đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ 88 tỷ 670 triệu đồng; nguồn vốn lồng ghép các chính sách khác 2 tỷ 213 triệu đồng).
Đề án được triển khai nhằm duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của dân tộc Rơ Măm, Brâu; giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho 2 dân tộc rất người này một cách bền vững nhằm giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Rơ Măm và Brâu.
Người Rơ Măm sống bằng nghề làm rẫy, trồng lúa nếp là chính, thêm một ít lúa tẻ, ngô và sắn. Họ sử dụng dao phát, rìu để đốn hạ cây, dùng lửa để đốt dọn rẫy, khi gieo trỉa dùng hai gậy chọc lỗ và một ống đựng hạt. Ðôi bàn tay vẫn là công cụ chính để tuốt lúa. Săn bắt và hái lượm còn giữ vai trò kinh tế quan trọng. Việc bắt cá dưới suối khá hiệu quả với đôi tay, rổ, đó và lá độc. Trong số những nghề phụ gia đình, nghề trồng bông, dệt vải được chú ý phát triển nhất. Vải họ dệt ra trước kia đủ cung cấp cho nhu cầu mặc của gia đình ngoài ra còn là hàng hoá trao đổi lấy dầu đốt, muối ăn và các công cụ lao động bằng sắt mà họ không làm ra được.
Người Brâu từ lâu đã hình thành phong tục tập quán riêng và một trong những nét văn hoá đặc sắc được thể hiện qua các bộ trang phục độc đáo của mình. Trang phục của người Brâu là sản phẩm thủ công truyền thống với sự khéo tay, óc thẩm mỹ, được chuyển giao qua nhiều thế hệ. Khởi đầu từ mục đích che chắn bảo vệ cơ thể con người trước những bất lợi của thiên nhiên, phù hợp với tập quán du canh, du cư, sản xuất nông nghiệp phát nương, làm rẫy, nên trang phục của người Brâu trước đây khá đơn giản. Ngày nay, người Brâu được tiếp thu những kiến thức của nền văn minh mới, cách ăn mặc cũng đã hiện đại hơn. Tuy nhiên, dù xã hội phát triển tới đâu, thì người Brâu vẫn có ý thức duy trì bảo lưu nét văn hoá truyền thống.