Lâu nay, chúng ta vẫn quan niệm: “Thương cho roi cho vọt” trong việc giáo dục con cái. Và quan niệm cổ điển ấy, giờ vẫn còn được vận dụng cả ở môi trường học đường.
Nghiêm khắc sẽ nên người. Điều đó không ai phủ nhận. và nghiêm khắc là điều vô cùng cần thiết trong việc giáo dục đạo đức học sinh.
Trong bối cảnh mà học sinh có thể học bất kì một thói hư tật xấu nào ở nhiều không gian như hiện nay (không gian gia đình, xã hội và thậm chí ngay trong trường học) thì việc “rắn tay” với học sinh lại càng cần thiết. Làm sao thầy cô giáo có thể cho qua việc học sinh tổ chức đánh nhau.
Càng không thể chấp nhận lối ăn mặc thiếu vải ở một bộ phận học sinh nữ khi đến trường; trong giờ, học sinh ôm ấp nhau là chuyện có thật; việc học sinh ngày càng lười học bài, làm bài cũng không còn là vấn đề gây bất ngờ cho thầy cô, cha mẹ. Những điều đó, thầy cô không thể không nhắc nhở. Thậm chí kỷ luật. Môi trường nào cũng có những quy tắc và chuẩn mực.
Nhưng nghiêm khắc không đồng nghĩa với xử phạt, đòn roi, đánh đập hoặc nhiếc mắng, sỉ nhục. Những người làm giáo dục đương nhiên phải có cách trách phạt học sinh mang tính giáo dục. Trách phạt để học sinh nhận ra mình sai ở chỗ nào và nhận thức được vấn đề để sửa chữa. Trách phạt để học sinh sống và học tập tốt hơn chứ không phải để chúng tổn thương, thù hận, hay “xù lông”.
Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, mỗi thầy cô sẽ gặp những tình huống sư phạm khác nhau nên sẽ không có công thức chung cho việc ứng xử với học sinh. Mà việc đó tùy thuộc vào khả năng sư phạm, vào kinh nghiệm của bản thân, và sự khéo léo của mỗi người.
Có điều, dù ở cấp học nào, khi xử phạt học trò các thầy cô luôn nhớ: Chúng là những đứa trẻ. Dù có mắc lỗi gì thì chúng vẫn là trẻ con, cần được dẫn giải, phân tích để chúng hiểu ra vấn đề.
Thứ hai, đừng mong trong lớp tất cả học sinh phải giỏi như nhau, có nhận thức đồng đều như nhau. Nếu việc dạy trẻ mà dễ dàng như vậy, bố mẹ chúng không phải mang trẻ đến trường. Vì vậy, thầy cô không nên nôn nóng trước sự chậm tiến của học trò để rồi phạt chúng theo kiểu quật vào tay hay đứng úp mặt vào góc lớp, quỳ trên bục giảng. Những việc làm như vậy sẽ không bao giờ có hiệu quả;
Thứ ba, không được vì một học trò mà bực lây, phạt lây sang cả lớp. Đó là sự vô lý khó chấp nhận;
Thứ tư, không được mang tâm trạng mình phải chịu đựng trút giận lên học trò. Bởi chúng không phải thùng nước gạo. Không kiểm tra bài cũ của học sinh vào những lúc tâm trạng như vậy, không những không hiệu quả mà còn làm cho tình cảm thầy trò rạn nứt. Học sinh ngày nay rất nhạy cảm. Chúng chỉ nhận lỗi khi chúng thực sự gây ra lỗi.
Thứ năm, trước khi xử phạt học sinh, hãy tìm hiểu ngọn ngành tránh sự oan uổng cho các em. Thầy cô không được cảm tính trong giải quyết sự việc giữa các trò. Như thế chúng sẽ mất niềm tin. Cuối cùng, tuyệt đối không đánh đập, sỉ vả học trò. Bởi trẻ con hay người lớn đều có danh dự như nhau. Đánh học trò là thầy cô đã thất bại trong giáo dục.
Có bao việc đau lòng, xót xa xảy ra liên tiếp trong môi trường giáo dục thời gian gần đây. Và khi người lớn chúng ta bình tâm lại, thấy sự việc nào cũng có căn nguyên của nó. Không cần bàn xem ai đúng ai sai, chúng ta cũng vẫn phải thừa nhận một điều: Thầy cô đôi khi chưa thật tế nhị, tâm lý, và linh hoạt với học trò.
Viết đến đây tôi lại nhớ đến hồi còn bé, khi ấy tôi đang học lớp 4. Trẻ con hay nói chuyện riêng trong giờ học. Hôm ấy tôi đã không biết cô giáo đứng nhìn mình rất lâu. Chỉ đến khi cô gọi tôi đứng dậy, tôi mới giật thót mình. Cô hỏi tôi người ta sinh ra có hai con mắt để làm gì? Rồi hỏi đến hai cái tai. Cuối cùng cô bảo tôi: Hai cái mắt để quan sát nhiều vào, hai cái tai để biết lắng nghe nhưng mồm thì chỉ có một thôi con nhé. Để chúng ta nói ít thôi, nhất là trong giờ học.
Cô không mắng tôi một câu nào mà tôi thấm thía, nhớ tới tận hôm nay. Bài học cô dạy cho tôi, tôi lại dạy lại cho các trò của mình. Và tôi coi đó là bài học không bao giờ cũ.