Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các hoạt động nghệ thuật hầu như đang phải “đóng băng” chưa hẹn ngày trở lại. Tuy nhiên, đây cũng lại là khoảng thời gian để những nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, cũng như thể hiện vai trò là những đại sứ trong việc tuyên truyền phòng, chống dịch.
Hình ảnh trong MV “Những bông hoa nở giữa mùa dịch” của ca sĩ Việt Tú.
Sau ca khúc “Ghen Cô Vy” trở thành hiện tượng âm nhạc trên thế giới đã tạo nên một cú hích cho hàng loạt ca khúc tuyên truyền, cổ vũ phòng chống dịch ra đời. Ca sĩ Việt Tú sau ca khúc “Ngủ một chút đi anh” lại tiếp tục kết hợp cho ra mắt MV “Những bông hoa nở giữa mùa dịch” với lời hát, hình ảnh xúc động, thể hiện sự tri ân và quan tâm, động viên sâu sắc đến các y, bác sĩ đang thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng - giữ gìn và bảo vệ sức khỏe cho người dân. Đặc biệt mới đây, ca sĩ trẻ AMEE đã phát hành phiên bản mới của ca khúc “Sao anh chưa về nhà” đã được viết lại lời, nhằm mục đích lan tỏa thông điệp tích cực về quy trình phòng chống dịch Covid-19. Được biết, lợi nhuận từ phiên bản này sẽ được đóng góp cho quỹ phòng chống dịch Covid-19 của UBTƯ MTTQ Việt Nam...
Có thể thấy, mỗi nghệ sĩ dù cách làm khác nhau nhưng tất cả đều đã và đang chung một “hành trình” lan tỏa, góp phần cổ vũ cộng đồng chung tay đẩy lùi dịch Covid-19. Cho dù đó không phải là những liveshow được hàng nghìn, hàng vạn người nghe hay các ca khúc được người hâm mộ cầy “view” ngày đêm để dành được nút vàng, nút bạc trên Youtube. Ở đó là tấm lòng của những người nghệ sĩ đã mang âm nhạc không chỉ để giáo dục, động viên, cổ vũ mà còn là liệu pháp tinh thần hữu hiệu thắp sáng những niềm tin chiến thắng dịch Covid-19 trong thời gian không xa.
Theo nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, dễ dàng nhận thấy những ca khúc cổ động phòng chống dịch Covid-19 đều được các nghệ sĩ trẻ thực hiện, điển hình là như ca khúc “Ghen Cô Vy” đang nổi tiếng toàn cầu. Thực tế đó cho thấy nghệ sĩ trẻ hôm nay cũng rất quan tâm và không đứng ngoài cuộc trước các vấn đề xã hội. Vả lại, sáng tác nhạc cổ động để được yêu mến và tạo thành phong trào chưa bao giờ dễ. Thế nhưng, với cách tư duy mới mẻ và làm việc nghiêm túc, dù là bài hát tuyên truyền, cổ động nhưng các bạn trẻ đã biết phối hợp với một bản nhạc trẻ trung rồi tiếp tục sáng tạo những vũ điệu sôi động nên dễ dàng kéo khán giả trên thế giới cùng hòa nhịp.
Không “ồn ào” như các nghệ sĩ ở lĩnh vực âm nhạc, với các hoạt động nghệ thuật khác như sân khấu lại có những cách làm riêng của mình trong thời dịch Covid-19. Với ngành biểu diễn đặc thù như ngành xiếc, dù không biểu diễn các nghệ sĩ vẫn phải duy trì các hoạt động luyện tập, đặc biệt là ở loại hình biểu diễn xiếc thú. Theo nghệ sĩ Tống Toàn Thắng, do đặc thù của nghệ thuật xiếc, những con thú phải được chăm sóc và huấn luyện thường xuyên để thành nếp nên các nghệ sĩ vẫn duy trì luyện tập... Ban lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam cố gắng sắp xếp lịch để nghệ sĩ luyện tập và huấn luyện động vật xen kẽ, tránh đông người, đồng thời thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử khuẩn.
Hay như nhà hát Tuồng Việt Nam, trong thời gian này, các nghệ sĩ tham gia vở diễn “Tình mẹ” đang trau chuốt lại một số cảnh diễn, các diễn viên cũng tích cực tự luyện tập vai thật nhuần nhuyễn để sau khi hết dịch, sẵn sàng biểu diễn phục vụ khán giả. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, ê kíp thực hiện lịch tập riêng từng cảnh, nhằm tránh tình trạng tập trung nhiều người trên sàn diễn. Tương tự, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ… cũng dành thời gian này để các nghệ sĩ trau dồi chuyên môn, chuẩn bị các tác phẩm mới phục vụ khán giả, nhất là phục vụ thiếu nhi trong mùa hè sắp tới.
Theo NSND Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) cho biết: Tôi nhận thấy hầu hết các nghệ sĩ đều thể hiện thái độ tích cực, chia sẻ, có ý thức chung tay với cộng đồng, các cơ quan quản lý trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Chẳng hạn, nghệ sĩ ở các nhà hát do Nhà nước quản lý đều chấp nhận nghỉ không lương, hoặc hưởng 50% lương mà không ai tỏ ra bức xúc hay đòi hỏi gì, bởi họ hiểu cả xã hội đều đang phải gánh chịu tác động từ dịch bệnh. Cũng theo Quyền Cục trưởng: Cục Nghệ thuật biểu diễn đã lập một trang mạng để qua đó trao đổi, nắm bắt tâm tư của anh em nghệ sĩ, các đơn vị nghệ thuật. Được biết trong giai đoạn này, nhiều nghệ sĩ đã tranh thủ thời gian tập trung cho tái tạo năng lượng, tự nâng cao tay nghề. Các nhà hát cũng có thể tận dụng nguồn dữ liệu sẵn có, chọn đưa ra khai thác qua mạng. Chúng ta có nhiều chương trình lớn, được dàn dựng công phu nhưng số buổi biểu diễn trực tiếp không nhiều, đa số công chúng chưa được thưởng thức. Đây là thời điểm có thể tận dụng, làm được gì tốt nhất nhờ tận dụng khả năng công nghệ. “Với các chương trình nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới vẫn có thể diễn ra tại một địa điểm nào đó, được truyền hình trực tiếp nhưng có thể không có khán giả. Chúng ta sẽ tận dụng các giải pháp công nghệ và căn cứ trên tình hình dịch để có quyết định cụ thể”- NSND Quang Vinh cho biết thêm.