Việc nhà thơ Trương Minh Nhật thắng kiện nhạc sĩ Quách Beem (tên thật là Đoàn Đông Đức) quanh câu chuyện ca khúc “Gánh mẹ” đã gây sự chú ý của dư luận. Ông Nhật cho rằng ông Đức sử dụng bài thơ của ông để sáng tác ca khúc “Gánh mẹ” mà không xin phép, cũng không để tên ông là đồng tác giả. Việc vi phạm bản quyền một lần nữa được cảnh báo khi mà tình trạng này lâu nay đã rất nhức nhối.
Vụ việc cần được xem là hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng xâm phạm bản quyền tác phẩm, khi không ít người đã “cầm nhầm” tác phẩm của người khác, thản nhiên coi đó là của mình để rồi vừa dương dương tự đắc vừa trục lợi. Sự vi phạm này diễn ra ở nhiều lĩnh vực, riêng trong nghệ thuật thì âm nhạc và hội họa là khá phổ biến. Tuy nhiên, những vụ kiện bản quyền thường kéo dài vì chứng cứ chứng minh không đầy đủ. Chính vì thế, việc tự bảo vệ mình, chủ động đăng ký bản quyền là rất quan trọng.
Trở lại với vụ “Gánh mẹ” khi nhà thơ kiện nhạc sĩ, nó cũng kéo rất dài.
Vụ việc bắt đầu vào tháng 9/2019 khi ông Trương Minh Nhật phát hiện bài hát "Gánh mẹ" của nhạc sĩ Quách Beem đăng tải trên mạng YouTube có phần ca từ mà ông cho rằng đã lấy từ bài thơ "Gánh mẹ" của ông đăng từ tháng 6/2014. Tuy nhiên, nhạc sĩ Quách Beem khẳng định bài hát "Gánh mẹ" do mình sáng tác, được Cục Bản quyền tác giả cấp bản quyền chứng nhận vào ngày 28/11/2014.
Cuối tháng 11/2019, ông Nhật đã ủy quyền cho văn phòng luật sư đứng ra khởi kiện ông Đoàn Đông Đức (nhạc sĩ Quách Beem) vi phạm bản quyền lên TAND TPHCM; đồng thời viết đơn gửi lên Cục Bản quyền tác giả Việt Nam yêu cầu hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả bài hát "Gánh mẹ" mà cục này đã cấp cho nhạc sĩ.
Ngày 4/12/2019, TAND TPHCM đã chính thức thụ lý vụ tranh chấp bản quyền sở hữu trí tuệ bài thơ/nhạc "Gánh mẹ" giữa ông Trương Minh Nhật (nguyên đơn) và ông Đoàn Đông Đức.
Ngày 13/12/2019, Cục Bản quyền tác giả Việt Nam ra văn bản số 442 yêu cầu ông Đức (tức nhạc sĩ Quách Beem) có văn bản giải trình kèm theo các chứng cứ tài liệu chứng minh quá trình sáng tạo, sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc "Gánh mẹ" gửi về Cục bản quyền tác giả trước ngày 23/12/2019.
Sau đó, TAND TPHCM đã 3 lần cho mời hai đương sự đến làm việc, hòa giải. Tuy nhiên, bị đơn Đoàn Đông Đức đều không có mặt. Ngày 18/8/2020, TAND TPHCM mở phiên sơ thẩm, nhưng phải hoãn do bị đơn vắng mặt. Ngày 3/9/2020, phiên tòa sơ thẩm một lần nữa bị hoãn vì nguyên đơn và luật sư của ông đều vắng mặt.
Ngày 21/10/2020, TAND TPHCM đã quyết định đưa ra xét xử vụ tranh chấp quyền tác giả bài thơ "Gánh mẹ" giữa ông Trương Minh Nhật và ông Đoàn Đông Đức (Quách Beem). Trong phiên xử này ông Nhật bất ngờ trình với Hội đồng xét xử biên bản chép tay được cho là thỏa thuận giữa ông và bà Trần Ngọc Diễm Châu - người đại diện truyền thông cũng là vợ của bị đơn Đức, thừa nhận bài thơ "Gánh mẹ" do ông Nhật sáng tác và đưa ra một số thỏa thuận theo yêu cầu của ông Nhật. Trước tình tiết quá bất ngờ, chủ tọa đã phải tạm dừng phiên tòa...
Theo bản án sơ thẩm ngày 25/4/2022, TAND TPHCM xử ông Đức (Quách Beem) thua kiện, ông Nhật là tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm văn học là bài thơ Gánh mẹ. Tuy nhiên, ông Đức đã kháng cáo đối với toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm (ngày 27/6/2023), Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của ông Đức. Ông Trương Minh Nhật được công nhận là tác giả đồng thời là chủ sở hữu của bài thơ “Gánh mẹ” và lời bài hát “Gánh mẹ”. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Điểm lại diễn biến chính của vụ kiện “Gánh mẹ” để thấy muốn làm rõ trắng đen tình trạng xâm phạm bản quyền tác phẩm là rất phức tạp. Vì vậy, về phía người sáng tạo, nhất thiết phải đăng ký bản quyền để tránh những rắc rối có thể xảy ra. Còn về phía đối tượng xâm phạm bản quyền, cùng với việc tuyên phạt của tòa thì cũng rất cần sự lên tiếng của dư luận, vì đó là hành vi trái đạo đức. Chiếm đoạt sự sáng tạo của người khác làm của mình thì không chỉ bồi thường bằng tiền là xong (tuy rằng điều đó rất quan trọng trong các vụ xâm phạm bản quyền tác giả), mà còn phải chịu trách nhiệm về đạo đức. Vì đó không chỉ là là hành vi “cầm nhầm” của người khác mà còn lừa dối xã hội. Chiếm đoạt sản phẩm trí tuệ, thành quả lao động của người khác để xây dựng vị trí, tên tuổi, để tiến thân là cách hành xử rất không đẹp.