Văn hóa

Phim Việt, trào lưu mới và “sự trỗi dậy”

Ngọc Mai 01/03/2024 06:46

Thời gian gần đây, phim Việt chiếu rạp thu hút lượng khán giả lớn và đã trở thành một hiện tượng đáng quan tâm.

anh-1-bai-tren-9.jpg
Cảnh trong phim “Đào, phở và piano”. Nguồn: FBNV.

Tờ Deadline (Mỹ) dẫn chứng về doanh số ấn tượng của phim “Mai” do Trấn Thành đạo diễn. Bộ phim đã đạt mức doanh thu hơn 400 tỷ đồng và có khả năng vượt qua doanh thu của phim “Nhà bà Nữ” ra mắt vào mùa Tết năm 2023 (475 tỷ đồng).

Tờ Deadline nhận định thị trường chiếu phim tại Việt Nam đã phát triển sôi động trở lại sau đại dịch Covid-19. Theo một số nguồn tư vấn, Việt Nam đang là thị trường chiếu phim phát triển nhanh thứ hai tại châu Á, chỉ sau Ấn Độ.

“Dịp Tết 2024 là thời điểm chứng kiến nhiều hiện tượng bất ngờ ngoài phòng vé tại Việt Nam, cho thấy sự phát triển nhanh chóng ở mức độ gây choáng ngợp của thị trường chiếu phim” - nhận xét của Deadline.

Năm 2023, tổng doanh thu phòng vé tại Việt Nam đạt 150 triệu USD. Ước tính ở Việt Nam hiện tại có khoảng 1.100 phòng chiếu phim. Đây là con số phát triển rất đáng ấn tượng của một thị trường chiếu phim mà vào năm 2010, khi chỉ có khoảng 90 phòng chiếu và doanh thu hàng năm thu về từ phòng vé chưa tới 15 triệu USD.

Deadline đánh giá, có nhiều yếu tố đưa tới sự phát triển nhanh và mạnh của thị trường chiếu phim tại Việt Nam. Trong đó, đáng kể nhất chính là cơ sở hạ tầng và những hệ thống rạp chiếu hiện đại, phục vụ trải nghiệm chất lượng cho người yêu điện ảnh. Hệ thống rạp chiếu hướng tới nhóm khán giả tầm trung và nhóm khán giả trẻ, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên.

anh-2-bai-tren.jpg
Avin Lu (trái) - vai Trịnh Công Sơn thời trẻ và Hoàng Hà - vai Dao Ánh trong “Em và Trịnh”. Ảnh: Thanh Huyền.

“Một động lực nữa của thị trường chiếu phim tại Việt Nam chính là hoạt động làm phim trong nước đang phát triển với nhịp độ năng động. Các nhà làm phim mạnh dạn thử nghiệm với những thể loại mới để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả” - tờ Deadline nhận xét và dẫn một thống kê cho biết, có tới 80% khán giả ra rạp tại Việt Nam hiện nay là khán giả trẻ ở độ tuổi dưới 29. Điều đó cho thấy kết quả là trong số 10 phim đạt doanh thu cao nhất tại phòng vé Việt Nam trong năm 2023, có tới 6 phim sản xuất trong nước.

Một dòng phim cũng gây chú ý đó là phim có yếu tố kinh dị. Trong đó “Kẻ ăn hồn” và “Quỷ cẩu” tiêu biểu hơn cả. 2 bộ phim đều sử dụng chất liệu dân gian làm phương tiện xây dựng bối cảnh và kịch bản. Thống kê từ Box Office Vietnam - đơn vị khảo sát phòng vé độc lập, “Kẻ ăn hồn” thành công cán mốc 66 tỷ đồng (tính đến ngày 9/1/2024), và hiện đã ở con số gần 110 tỷ đồng. Trong khi đó, “Quỷ cẩu” nhanh chóng thu về 25 tỷ đồng sau tuần đầu ra rạp. Tính đến 9/1/2024, phim đạt hơn 63 tỷ đồng.

Cùng với đó, đề tài “hoài niệm” cũng xuất hiện như một trào lưu của phim Việt, khi bối cảnh nhiều bộ phim có mốc thời gian từ những thập niên trước.

Phim “Em và Trịnh” do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn, lấy mốc thời gian từ những năm 1960, trong đó có nhiều cảnh quay ở Đà Lạt và Huế, tuy không bội thu về doanh số nhưng cũng đã để lại những ấn tượng sâu sắc. Phim “Mắt biếc” do Victor Vũ đạo diễn, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, có bối cảnh ở Huế và Quảng Nam được ê-kíp sản xuất dựng tỉ mỉ để phù hợp không khí thập niên 1960 - 1980 mà câu chuyện phim nói đến. Trong đó hình ảnh phiên chợ quê, những lớp học thô sơ... gây cảm xúc mạnh.

Một bộ phim khác, “Song Lang” do Leon Lê đạo diễn đưa khán giả trở lại với Sài Gòn thập niên 1980. Dấu ấn cổ kính đậm nét của phim dựa nhiều vào phần hình ảnh, gam màu vàng bụi bặm, những con hẻm nhỏ, những mái nhà cũ kỹ mang đậm hơi thở đời sống một thời đã qua.

Một bộ phim nữa, "Ước mình cùng bay" của đạo diễn Phan Đăng Di. Bộ phim mở màn với cảnh thơ mộng ở một làng quê bình yên, ca khúc "Đường xưa" của cố nhạc sĩ Quốc Dũng được sử dụng làm nhạc phim càng làm cho khung cảnh trở nên hoài niệm.

Tuy nhiên, nổi bật hơn cả là phim “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn đã trở thành hiện tượng của phim Việt. Chuyện phim kể về câu chuyện tình yêu của anh tự vệ (Doãn Quốc Đam đảm nhận) và cô tiểu thư Hà thành (Cao Thùy Linh đóng). Họ đã vượt qua gian khó hiểm nguy để tìm lại nhau vào ngày cuối cùng của cuộc chiến (ngày 17/2/1947), khi quân ta rút khỏi Hà Nội ra chiến khu bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.

Những tưởng “Đào, phở và piano” được Nhà nước đầu tư sẽ khó bật lên. Trái lại, bộ phim đã “gây sốt” suốt từ Bắc vào Nam. Bất cứ rạp chiếu nào mở ra cũng đều “cháy vé” cho dù quảng cáo về bộ phịm rất giới hạn.

Với những gì đang diễn ra, có thể thấy điện ảnh Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới, mà có thể gọi đó là “sự trỗi dậy”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phim Việt, trào lưu mới và “sự trỗi dậy”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO