Bộ GDĐT hiện đang phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình Hè vui khỏe làm một chuỗi 20 phóng sự về phòng chống đuối nước an toàn cho trẻ và phát sóng trên VTV7.
Trong dịp hè 2020, Vụ giáo dục thể chất, Bộ GDĐT sẽ phối hợp để triển khai xây dựng kế hoạch truyền thông đa phương tiện. Thứ hai là xây dựng bộ học liệu thông qua chương trình Hè vui khỏe về kỹ năng bơi an toàn trong môi trường nước để truyền tải đến 63 tỉnh thành. Đồng thời sẽ tiến hành tập huấn cho đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất về công tác bơi an toàn, phòng chống đuối nước.
Đó là thông tin được ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GDĐT đưa ra trong kế hoạch phối hợp phòng chống tai nạn thương tích, trong đó có đuối nước mùa hè 2020.
Hạn chế nỗi đau đuối nước
Ông Phạm Ngọc Chung - giáo viên dạy bơi, Giám đốc dự án phổ cập bơi, Công ty cổ phần Bằng Linh (Hà Nội) cho rằng: Trong thực tế, trẻ có thể bị đuối nước ở bất cứ đâu, tại nhà, tại trường học, khi theo bố mẹ đi nghỉ mát, trên đường đi học về, khi đi bơi tại bể bơi... Nhưng phổ biến nhất là trẻ rủ nhau tắm, khi một cháu bị đuối nước, các cháu còn lại tìm cách cứu nhau hoặc bám giữ nhau dẫn đến có vụ nhiều cháu tử vong một lúc.
Là quốc gia có đường bờ biển dài, hệ thống sông ngòi kênh rạch lớn nhưng tỉ lệ trẻ em biết bơi và có kỹ năng an toàn trong môi trường nước tại Việt Nam rất thấp. Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước hàng đầu, cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Mặc dù những năm qua, tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước đã giảm song con số hơn 2000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm theo thống kê của Bộ LĐTB XH vẫn là một nỗi nhức nhối với tất cả mọi người.
Theo ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, (Bộ GDĐT): Khó khăn hiện nay là việc giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho HS là quá trình lâu dài, thường xuyên, liên tục và cần có sự quan tâm của gia đình, sự phối hợp tích cực của nhà trường, gia đình và xã hội và cần đảm bảo nguồn lực triển khai công tác này. Trong khi đó, điều kiện đảm bảo triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước còn nhiều bất cập, thiếu về cơ sở vật chất, đội ngũ.
Trong đó, đội ngũ cán bộ, nhà giáo làm về công tác này tại các trường học còn thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm. Một lý do nữa là đo điều kiện phức tạp về địa hình, địa lý; môi trường, thời tiết; thiết bị, đồ dùng học tập đã cũ, không đảm bảo an toàn; do HS không biết bơi, không có điều kiện tham gia học bơi…
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Thanh Đề, nhiều vụ đuối nước gây tử vong lại xảy ra đối với các trẻ em, HS biết bơi, thậm chí bơi giỏi.
Điều đó cho thấy, nếu chỉ dừng lại ở việc học bơi, biết bơi, thì hoàn toàn chưa đảm bảo an toàn, tránh được tử vong do đuối nước, khi mà trong đời sống hàng ngày, ngoài thời gian ở trường, các em còn tham gia nhiều hoạt động lao động, sinh hoạt trong môi trường sống thiếu an toàn như hiện nay, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể xảy ra tai nạn đối với các em ở mọi lúc, mọi nơi.
Trong điều kiện phần nhiều các trường chưa được trang bị bể bơi, việc dạy bơi gặp rất nhiều khó khăn thì việc tăng cường giáo dục nhận thức cho HS về tác hại, hậu quả, nguyên nhân, nguy cơ đuối nước xảy ra đối với các em là rất quan trọng. HS từ đó được trang bị những kỹ năng an toàn, biết tự phòng tránh để những HS biết bơi và chưa biết bơi đều biết cách chủ động, tự bảo vệ được tính mạng bản thân trước khi có sự hỗ trợ của người khác.
Chung tay hành động
Là đơn vị đầu mối triển khai Quyết định 234 của Thủ tướng về Phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, Bộ LĐTBXH đã có đã hướng dẫn, chỉ đạo cấp chính quyền địa phương và các đoàn thể phải tăng cường giám sát.
Cụ thể, theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH với những vùng ven sông, suối... nơi hay có trẻ em tắm, chính quyền địa phương và các đoàn thể phải có những biển báo và phân công người thường xuyên đi tuần để nhắc nhở các em.
Nhấn mạnh vai trò của gia đình trong việc nhắc nhở các em không được tắm sông, hồ, ông Nam cho rằng gia đình phải thường xuyên giám sát con em mình, đặc biệt là khoảng thời gian buổi trưa, buổi chiều sau khi tan học, phụ huynh cần nắm được con em mình đi đâu, làm gì; vì theo nghiên cứu, thời gian trẻ em thường xuyên xảy ra đuối nước rơi vào khung giờ trên. Bên cạnh đó, nhà trường phải thường xuyên nhắc nhở về nguy cơ và biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ trong những tiết học có liên quan.
Về phía nhà trường, bà Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội cho biết: “Trong những ngày nghỉ, nhà trường luôn có tin nhắn gửi đến các bậc phụ huynh về việc quản lý các con ở nhà cho an toàn và cũng tuyên truyền cho các con là vui chơi ở những nơi an toàn, tránh thời tiết nắng nóng. Thứ hai, không để các con tụ tập ở các nơi như bờ sông, bờ ao hoặc những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn cho các con”.
Việc phòng chống đuối nước rõ ràng không hoàn toàn phụ thuộc vào việc trẻ có biết bơi hay không mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Vì vậy, bên cạnh việc phổ cập bơi cho trẻ, cần đẩy mạnh công tác phòng tránh, tuyên truyền, giáo dục nhận thức.
Bộ GDĐT hiện đang phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình Hè vui khỏe làm một chuỗi 20 phóng sự về phòng chống đuối nước an toàn cho trẻ và phát sóng trên VTV7. Số đầu tiên là ngày 25/6 vừa rồi kéo dài đến ngày 2/9.
Chiến dịch hướng tới việc cung cấp những kiến thức đúng về rèn luyện thể chất trong lĩnh vực bơi lội đồng thời đưa ra những cảnh báo về tình trạng tai nạn đuối nước, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trong việc hạn chế tối đa tình trạng đuối nước ở trẻ em nói chung và HS nói riêng.
Bộ GDĐT cho biết sẽ có văn bản hướng dẫn nhà trường, từ đó các thầy cô giáo sẽ hướng dẫn cho các con xem những nội dung trong đó để hướng dẫn các con trong các giờ học, đề xuất các đài truyền hình địa phương phát lại các chương trình này để mỗi ngày một chút ngấm dần, các con có kỹ năng tự bảo vệ bản thân mình như thế nào trong môi trường nước.