Ngày 2/10, tại Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng phối hợp với Ban Quản lý phố cổ (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tổ chức Hội thảo Bảo tồn cảnh quan đô thị lịch sử trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển công nghệ thông tin.
Chuyên gia thảo luận tại Hội thảo.
Qua Hội thảo, các chuyên gia trong nước và nước ngoài đã tập trung thảo luận về các thay đổi của đô thị trong những năm gần đây, làm sao để hài hòa giữa sự phát triển và bảo tồn được cảnh quan văn hóa, lịch sử của đô thị. Trong đó, sự quan tâm chủ yếu hướng về đô thị Hà Nội, đô thị điển hình của Việt Nam, đặc biệt là khu phố cổ.
Thông tin tại Hội thảo cho biết: Năm 2011, lần đầu tiên sau 35 năm, Unesco đưa ra khái niệm mới Cảnh quan đô thị lịch sử. Khái niệm này không thay thế cách tiếp cận bảo tồn truyền thống, mà thực chất cung cấp công cụ bổ sung để ứng xử với môi trường xây dựng trong bối cảnh khác biệt về văn hóa, cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, chứng minh vai trò quan trọng của cảnh quan đô thị lịch sử trong thế giới đang đổi thay nhanh chóng. Nằm giữa vòng xoáy của sự phát triển, Khu phố cổ Hà Nội đang đứng trước những thách thức hội nhập toàn cầu và chủ động tham gia tiến trình tất yếu đó.
Theo GS Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Khu phố cổ Hà Nội là một khu phố thị dân ven sông Hồng, mang đậm bản sắc văn hóa bản địa và là nét văn hóa quan trọng cho cảnh quan đô thị Hà Nội. Đã nhiều thế kỷ, và đã trải qua không biết bao nhiêu những thăng trầm lịch sử nhưng nhờ tính chất dân gian, mà khu phố cổ Hà Nội luôn thích nghi để tồn tại và phát triển. Mặc dù trải qua các đợt trùng tu nhưng vẫn bảo tồn được nét văn hóa lịch sử, những bản sắc hấp dẫn toát lên từ những tuyến phố đi bộ, hấp dẫn từ các di tích…
Ông khẳng định, nét đặc sắc của khu phố cổ châu Á trong một thế giới đầy biến động vẫn còn tồn tại, mặc dù chúng ta đang lo lắng cho nó. Khu phố hiện vẫn còn giá trị hấp dẫn được nhiều du khách, đặc biệt là người Âu.
“Dù có thể nhiều người cho nó là hỗn loạn nhưng tôi thì lại thấy nó sống động, sự pha trộn ấy cũng là cái riêng, giá trị. Tính chất dân gian linh hoạt của khu phố sẽ thích ứng với những biến đổi lớn lao của xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Hi vọng chúng ta có thể bảo vệ được bản sắc vốn có trước những đợt toàn cầu hóa diễn ra. Giữ được bản sắc của mình, bản sắc của một khu phố thị của người Việt” – GS Nguyễn Quốc Thông chia sẻ.
Trong nhiều năm nay khu phố cổ Hà Nội cũng đã và đang thu hút sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là các chuyên gia trong nước và quốc tế. Qua Hội thảo cũng đã có nhiều chuyên gia đến từ Trung Quốc, Nhật Bản đem đến những nghiên cứu của mình về phố cổ Hà Nội và cả những kinh nghiệm bảo tồn cảnh quan đô thị trên thế giới, với mong muốn góp ý phần nào cho sự phát triển bền vững của đô thị lịch sử tại Việt Nam.
Các chuyên gia tại Hội thảo đồng tình, cho dù đối với đô thị Hà Nội ở Việt Nam hay Tokyo của Nhật Bản… thì cũng rất cần sức mạnh của tất cả giới chuyên gia, của cả cộng đồng cho không chỉ bản sắc văn hóa riêng của mỗi quốc gia, mà cho văn hóa lịch sử chung của nhân loại.