Phát biểu tại hội nghị Tổng kết công tác phối hợp tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT do cơ quan BHXH tổ chức chiều 21/4 Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định công tác tuyên truyền là giải pháp quan trọng để góp phần nâng cao hiểu biết của người dân đối với chính sách BHXH. Qua tuyên truyền tỷ lệ người dân tham gia chính sách BHXH, BHYT tăng lên rõ rệt, tuy nhiên để mở rộng độ bao phủ chính sách BHXH, BHYT như mục tiêu mà Chính phủ đề ra còn rất nhiều khó khăn.
Quang cảnh hội nghị.
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT
Tính đến hết 31/12, tổng số người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 76 triệu người, đạt 101,5% kế hoạch giao, tăng 5,8 triệu người so với năm 2015 trong đó: số người tham gia BHXH bắt buộc là 12,9 triệu người; tham gia BHTN là 11,1 triệu người; tham gia BHXH tự nguyện là 203 nghìn người; tham gia BHYT là 75,8 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 81,8% dân số, vượt 2,8% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn để có được kết quả trên trong năm 2016, BHXH Việt Nam đã thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp với các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương với quy mô rộng, đa dạng về nội dung và hình thức thể hiện. Phạm vi tuyên truyền được triển khai trên cả 3 miền Bắc - Trung – Nam, tại hầu hết các địa phương trong cả nước. Thông qua cơ chế phối hợp hàng trăm cuộc tập huấn, đối thoại được tổ chức và mang lại hiệu ứng tích cực. Từ đó, đã giải đáp vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, người lao động trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
“Công tác phối hợp tuyên truyền năm 2016 giữa BHXH Việt Nam và các đơn vị phối hợp... đã có chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng; tạo chuyển biến quan trọng trong nhận thức về mục đích ý nghĩa, hiểu rõ quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong mọi tầng lớp nhân dân; tạo sự đồng thuận trong xã hội; trực tiếp thúc đẩy việc tham gia BHXH, BHTN, tăng nhanh chỉ tiêu bao phủ BHYT theo lộ trình BHYT toàn dân” - ông Phạm Lương Sơn khẳng định.
Cần đổi mới công tác tuyên truyền
Là năm đầu tiên BHXH Việt Nam phối hợp với Ban Thường trực UBTƯMTTQ Việt Nam triển khai Chương trình phối hợp công tác về thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT giai đoạn 2016-2020 nhưng hiệu quả đem lại từ cơ chế phối hợp khá tích cực.
Chương trình, nội dung phối hợp đã được quán triệt, triển khai đến cán bộ chủ chốt của UBMTTQ các cấp. Hầu hết các địa phương đã đưa nội dung giám sát, kiểm tra, vận động thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT vào chương trình công tác năm.
Đánh giá công tác phối hợp trong năm 2016 Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng: Để mở rộng độ bao phủ chính sách BHYT và BHXH thì công tác tuyên truyền được xem là nhân tố quan trọng. Bằng chứng là trong thời gian gần đây tỷ lệ số người tham gia BHYT, BHXH tăng rõ rệt. Tuy nhiên từ báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy vẫn còn rất nhiều người chưa tham BHYT, BHXH đặc biệt là BHXH tự nguyện. Đây là một thách thức lớn. Chính vì vậy để người dân nhận thức được giá trị của BHYT, BHXH từ đó tự nguyện tham gia thì bên cạnh việc đổi mới công tác tuyên truyền thì ngành chức năng cũng cần tháo gỡ nhưng khó khăn, vướng mắc về chính sách để người dân thuận tiện hơn khi tham gia.
“Qua quá trình kiểm tra và giám sát, tổ chức tập huấn rất nhiều cán bộ cơ sở phản ánh người dân đánh giá rất cao chính sách BHYT, BHXH nhưng họ lại ngại tham gia vì khâu tổ chức, lập danh sách cấp thẻ đến tay người dân vẫn còn vướng chưa thực sự thuận tiện. Cùng với đó hiện nhiều cơ sở khám chữa bệnh thanh toán chế độ cho người tham gia BHYT vẫn rất nhiêu khê. Đối với chế độ BHXH tự nguyện thì việc mở rộng đối tượng tham gia càng khó hơn bởi con số nợ đọng BHXH năm sau tăng hơn năm trước. Hàng chục nghìn người lao động đứng trước nguy cơ tay trắng vì nợ đọng. Nếu chúng ta không có giải pháp với những hành vi vi phạm trên thì rất khó có thể vận động, tuyên truyền để người dân tham gia” – Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.