Phòng vệ thương mại trước hội nhập

Duy Phương 15/10/2015 09:00

Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tiến hành đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do và tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, các DN sẽ phải đối diện với làn sóng hàng nhập ngoại tràn vào thị trường trong nước. Làm thế nào để DN có thể đứng vững trước làn sóng đó, một trong những yêu cầu cốt lõi là các DN phải sử dụng công cụ phòng vệ thương mại (PVTM) sao cho hiệu quả. 

Đó là vấn đề được đặt ra tại buổi công bố kết quả điều tra nghiên cứu “Điều gì cản trở doanh nghiệp Việt Nam sử dụng các công cụ PVTM để tự bảo vệ trước hàng hoá nước ngoài?” do Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI) tổ chức ngày 14/10 tại Hà Nội.

Từ khoảng 10 năm nay, các DN Việt Nam đã phải đối diện với những vụ kiện liên quan đến vấn đề rào cản thương mại đối với các mặt hàng như thủy sản (cá tra, tôm), giày dép, ống nhựa, thép... hầu hết đều rơi vào thị trường Hoa Kỳ. Mới đây nhất, tháng 9 vừa qua, con tôm của Việt Nam cũng bị Mỹ tiếp tục kiện Việt Nam bán phá giá.

Mặc dù kết quả cuối cùng là tôm Việt Nam không bị áp mức thuế cao so với mức thuế lúc đầu phía Mỹ đưa ra, song, điều này cho thấy, công cụ PVTM tiếp tục là “cây gậy” giúp nước bạn bảo hộ DN nội địa một cách hữu hiệu.

Có thể khẳng định, cho đến thời điểm này, cộng đồng DN Việt, các Hiệp hội DN đã quá dày dạn kinh nghiệm trong các vụ kiện chống phá giá, chống trợ cấp tại thị trường nước ngoài. Song, ở trong nước, dường như công cụ PVTM không được các DN Việt coi là “tấm lá chắn” bảo vệ mình một cách hiệu quả.

Theo TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về phòng vệ thương mại, Trung tâm WTO và Hội nhập –VCCI, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam cũng đã khởi kiện Hoa Kỳ 2 vụ về một số biện pháp áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam và kiện Hoa Kỳ về một số biện pháp áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam...

Tuy nhiên, theo bà Loan, dường như các DN Việt còn đang rất dè dặt trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ mà đáng lẽ ra, đó sẽ là một thứ vũ khí đặc dụng để giúp các DN “phòng thân”.

Đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo “Sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại trong bối cảnh Việt Nam thực thi các FTAs và AEC”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang cho hay, trong khi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đến nay đã là đối tượng của cả trăm vụ kiện PVTM ở nước ngoài thì Việt Nam tới nay mới chỉ sử dụng công cụ này 4 lần, với 3 vụ kiện tự vệ và 1 vụ kiện chống bán phá giá.

Cụ thể, tính đến thời điểm tháng 10/2015, tổng số vụ điều tra PVTM đối với hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài là 70, tổng số vụ dẫn tới áp dụng biện pháp PVTM là 36; tổng số vụ điều tra chống trợ cấp là 7, tổng số vụ dẫn tới áp dụng biện pháp PVTM là 4 vụ; tổng số vụ điều tra tự vệ là 17, và tổng số vụ dẫn tới áp dụng biện pháp PVTM là 6.

Trong khi đó, ở trong nước, tính đến tháng 10 - 2015 chỉ có 1 vụ điều tra chống bán phá giá, 1 vụ dẫn tới áp dụng biện pháp PVTM; tổng số vụ điều tra tự vệ là 3, và tổng số vụ dẫn tới áp dụng biện pháp PVTM là 1. Không có vụ việc nào liên quan tới chống trợ cấp.

Số liệu nói trên là những minh chứng cho thấy, các DN Việt Nam hoặc rất thờ ơ với công cụ bảo vệ mình, hoặc không quan tâm, hoặc năng lực, hiểu biết luật lệ của các DN cũng như cơ quan điều tra còn hạn chế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng vệ thương mại trước hội nhập