Thể thao

Phóng viên ảnh thể thao: Tay ống tay ‘súng’

HOÀNG NAM 22/06/2024 09:19

Dù báo chí đã có nhiều thay đổi, cách tác nghiệp của nhà báo, phóng viên đã có nhiều đổi thay, song phóng viên ảnh, nhất là các phóng viên ảnh thể thao vẫn vất vả như xưa.

4(2).jpg
Ảnh: Quang Minh.

- Máy khủng phết nhể?

- Dạ.

- Đưa anh cầm thử xem nào.

- Anh cứ tự nhiên.

- Ui sao mà nặng ghê. Cầm máy này mà không có chân máy không khác gì tập tạ luôn.

- Đi làm kết hợp thể dục luôn anh ạ.

Đó là câu chuyện tác nghiệp của anh em phóng viên ảnh điển hình. Bước sang năm 2024, khi công nghệ đã phát triển, họ vẫn mang bên mình những trang thiết bị cồng kềnh, to lớn.

Lý do duy nhất là bởi chúng... có giá thành phải chăng. Không phải phóng viên ảnh nào cũng có điều kiện kinh tế để đầu tư những dòng máy mirroless đời mới gọn nhẹ.

Một combo cơ bản của phóng viên ảnh khi đi tác nghiệp gồm tối thiểu 1 thân máy (body), và nhiều ống kính (len): 1 len 24-70 mm, 1 len 70-200 mm và 1 len fix 300 mm. Người nào có điều kiện thì sắm thêm len 16-35 mm hoặc thêm một body để dùng "sơ cua".

Đa số phóng viên ưu tiên dùng hàng cũ của Canon, Nikon, với giá dao động từ 80 - 100 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền mua vali máy ảnh cỡ 4 - 5 triệu đồng. Đó là mức giá cơ bản với những ai muốn đầu tư vào nghiệp ảnh.

Ưu điểm của chúng là có thể tạo ra sản phẩm (ảnh/video) ở chất lượng đảm bảo và có mức giá chấp nhận được. Nhược điểm là... rất nặng và cồng kềnh.

So với các dòng máy Canon, Nikon đời cũ, các dòng máy mirorrless gọn nhẹ hơn khoảng 10 kg nhưng đổi lại là giá đắt gấp đôi, thậm chí gấp ba.

Với đa phần phóng viên ảnh thể thao, muốn chụp được ảnh đẹp thì buộc phải tìm hiểu qua về sự kiện thể thao đó, về nhân vật đó và góc chụp. Đối với chụp ảnh thể thao thì thiết bị là một yếu tố rất quan trọng để “săn” được những khoảnh khắc chớp mắt. Gần như không có thiết bị tốt thì sẽ không làm được gì bởi không gian của thể thao rất rộng.

Bên cạnh đó, yếu tố sức khỏe cũng quan trọng bởi thiết bị chụp thể thao thường rất nặng. Với các phóng viên ảnh, đi tác nghiệp với những chiếc vali nặng 15-20 kg không khác gì tập tạ. Anh Nguyễn Quyết Thắng, phóng viên ảnh với hơn 10 kỳ SEA Games, đang công tác tại tờ Vietnamnet, chia sẻ: "Phóng viên ảnh ngày xưa hay bây giờ cũng không khác gì đâu. Chúng tôi đều phải chuẩn bị kỹ lưỡng trước mỗi chuyến đi tác nghiệp, nào là kế hoạch ăn uống, di chuyển.

Tôi thường cố gắng chuẩn bị đồ ăn hoặc ăn trước vì đã từng phải bỏ bữa trong lúc tác nghiệp, và nơi tác nghiệp không có đồ ăn". Nỗi khổ của phóng viên ảnh thì nhiều không đếm xuể. Bất kể nắng hay mưa, những người được mệnh danh "công nhân ảnh" đều phải mang vác những chiếc balo, vali đầy ắp thiết bị.

Vừa di chuyển, vừa lo... bảo vệ tài sản tránh hỏng hóc tốn tiền sửa chữa. "Vác máy nặng, có vài lần tôi bị đau một bên lưng. Nhiều lúc mỏi, máy mình bị va đập, tôi cũng xót lắm. Sợ nhất trời mưa, cơ thể ngấm nước còn mệt, huống chi máy móc đắt tiền", anh Thắng chia sẻ thêm.

anh2(1).jpg
Phóng viên ảnh kỳ cựu Dư Hải của Báo Thể thao TPHCM. Ảnh: NVCC.

Khác phóng viên viết, phóng viên ảnh là những người phải đến hiện trường từ sớm và cũng là những người... về muộn nhất.

Trung bình một trận sân nhà của đội tuyển Việt Nam đá lúc 19h, thì các phóng viên ảnh phải đến sân từ 16h30 và về nhà khoảng 22h. "Đó là khi xong việc, chứ nếu nhiều đề tài, chúng tôi thường phải ở lại làm đến 23h mới về", một phóng viên ảnh chia sẻ. Nhưng bù lại, một tấm ảnh thể thao đẹp có thể truyền tải nhiều nội dung, nhiều cảm hứng mà nhiều lời lẽ hay câu chữ chưa chắc đã làm được.

Tác nghiệp trong nước đã vất vả, những "ông thợ săn ảnh" còn khổ hơn mỗi khi đi nước ngoài. Anh Hoàng Linh, phóng viên ảnh có hơn 22 năm trong nghề, đang công tác tại tờ Thể thao và Văn hóa, chia sẻ: "Tôi từng có những trải nghiệm đáng sợ. Đấy là lần sang Manila năm 2023 tác nghiệp trận Philippines - Việt Nam tại vòng loại hai World Cup 2026. Chúng tôi đặt phòng tại một khách sạn ở gần sân Rizal Memorial, từ khách sạn có thể đi bộ ra sân trong 1 km. Do không cùng chuyến bay với các đồng nghiệp nên tôi đã đến Manila một mình vào thời điểm gần cuối giờ chiều.

Sau khi nhận phòng và cất vali quần áo, tôi lập tức kéo vali máy ảnh và đeo balo laptop ra sân để chuẩn bị cho buổi tập tối của đội tuyển Việt Nam. Khi ra sân, tôi phải đi qua một con phố mà hai bên vỉa hè đầy ắp những người vô gia cư. Kéo vali máy ảnh chứa toàn thiết bị đắt tiền đi qua đoạn phố này, tôi thực sự hoang mang bởi hai bên đường đều là những ánh mắt tò mò và có lúc là kém thân thiện hướng về tôi. Tôi lại chỉ có một mình.

Tôi buộc phải nghiến răng lạnh mặt đi thẳng về phía trước mà không dám nhìn ngó sang hai bên đường, một tay nắm chặt cái monopod, tay kia cầm chắc quai vali. Đến cuối đường, một thiếu niên đen nhẻm nhảy ra trước mặt tôi và tỏ ý muốn giật chiếc vali máy ảnh khỏi tay tôi. Thấy vậy tôi bèn cố nghiêm mặt lại, tìm cách né rồi đi thật nhanh về phía trước. Tôi đã thoát khỏi con đường ấy như thế".

Đối với các tay máy thể thao, ngoài việc nhanh, chính xác thì một bức ảnh đáng giá chính là bắt được những khoảnh khắc, thể hiện được tinh thần thể thao, niềm vui và cả mồ hôi, nước mắt khi các vận động viên chạm đến đỉnh vinh quang hay cả khi thất bại. Chính vì vậy, chụp ảnh thể thao cũng vừa khó lại vừa dễ. Mỗi tay máy phải chọn cho mình được một góc chụp tốt vừa ghi được diễn biến trận đấu, vừa khắc họa được vận động viên, vừa tạo được dấu ấn riêng trong tác phẩm của mình.

Với các phóng viên ảnh, nhuận bút đôi khi chưa chắc đã bù được chi phí, hay xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Tuy nhiên, nhiều người vẫn kiên trì cống hiến và đi làm vì niềm vui riêng. Anh Nguyễn Trọng Hiếu, phóng viên ảnh với 7 năm kinh nghiệm, đang công tác tại trang tin Bongda24h, chia sẻ: "Trong những lần được cơ quan tin tưởng giao nhiệm vụ đi công tác nước ngoài, tôi cố gắng đem những hình ảnh chân thực nhất cho độc giả. Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi chuyện cũng suôn sẻ. Tại kỳ SEA Games 2019 ở Philippines, tôi có cơ hội tác nghiệp nhiều môn thể thao khác nhau để gửi về cơ quan xử lý, nhưng rồi những hình ảnh đó bị xóa logo, đăng tràn lan trên mạng, dẫn đến nhiều sự cố không đáng có và phải giải trình với chính cơ quan. Nhưng đó chỉ là những rắc rối nhỏ trong suốt quá trình làm nghề, bởi niềm vui từ công việc đem lại cho tôi lớn hơn nhiều. Đôi khi may mắn có những bức ảnh “hot” trên mạng về hình ảnh ăn mừng của các cầu thủ, vận động viên, những khó khăn, gian khổ phải trải qua đều tan biến".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phóng viên ảnh thể thao: Tay ống tay ‘súng’