Phụ nữ bị bạo hành 'ngại' trợ giúp pháp lý

Lê Bảo 21/01/2016 23:34

Theo quy định, người được trợ giúp pháp lý (TGPL) không phải trả bất kỳ một khoản lệ phí, thù lao nào, nhưng vẫn có đến 77% các trường hợp phụ nữ bị bạo hành không trình báo tới các cơ quan chức năng liên quan. 

Người được trợ giúp pháp lý không phả trả lệ phí, thù lao.

Theo Cục trưởng Cục TGPL (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Minh, kể từ khi thành lập, Cục Trợ giúp pháp lý và các Trung tâm Trợ giúp pháp lý trên toàn quốc luôn xác định phụ nữ là đối tượng cần được quan tâm trong công tác trợ giúp pháp lý, đặc biệt phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và nạn nhân của tội buôn bán phụ nữ. Theo đó, ngoài tư vấn pháp luật tại trụ sở, tư vấn bằng văn bản hoặc qua điện thoại, các Trung tâm TGPL còn phối hợp với Hội Phụ nữ tổ chức TGPL lưu động cho chị em phụ nữ tại nơi cư trú.

Thông qua đó, chị em phụ nữ được các Trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên của Trung tâm tư vấn, giải đáp các vướng mắc pháp luật, phổ biến về các quyền của phụ nữ theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các Công nước quốc tế đã quy định đối với quyền của người phụ nữ.

Mặc dù vậy, sau 8 năm triển khai Luật TGPL, công tác TGPL cho phụ nữ hiện nay còn gặp phải nhiều bất cập, khó khăn.

“Không phải tất cả phụ nữ đều được TGPL. Nhiều phụ nữ vẫn chưa biết được về quyền được TGPL hoặc còn e ngại khi tiếp cận với TGPL. Phụ nữ là nạn nhân bị xâm hại tình dục, nạn nhân BLGĐ… thường cam chịu không dám lên tiếng, do vậy, rất khó khăn cho những người trực tiếp thực hiện TGPL. Bên cạnh đó cơ sở vật chất tại các Trung tâm TGPL và các tổ chức tham gia thực hiện TGPL tại các Trung tâm này nhìn chung còn hạn chế và nhân lực chưa được đào tạo về kỹ năng làm việc với nạn nhân bị bạo lực giới...” - bà Minh nói.

Số liệu điều tra gần đây của Bộ LĐTB&XH cũng chỉ ra rằng, ở Việt Nam, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người từng bị đánh, bị cưỡng bức về tình dục hay từng phải chịu các hình thức lạm dụng khác. Tỉ lệ phụ nữ chịu bạo lực tinh thần lên tới 53,6%, sau đó là bạo lực thể xác 31,5%.

Có một thực tế là trong khi tình trạng bạo lực gia đình ngày càng diễn ra phức tạp, với nhiều hình thức tinh vi thì đối tượng là nạn nhân của bạo lực gia đình được tiếp cận và được TGPL miễn phí còn hạn chế.

Chỉ ra nguyên nhân phụ nữ bị bạo lực gia đình tiếp cận với TGPL còn khiêm tốn, TS Nguyễn Thị Minh cũng cho rằng, hiện theo quy định, người được TGPL chỉ bao gồm: Người nghèo (QĐ 09/2011/ chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2011-2015); người có công với cách mạng; người già cô đơn không nơi nương tựa; người khuyết tật; trẻ em không nơi nương tựa; người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn; người được TGPL theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo số liệu báo cáo tổng kết 8 năm triển khai thi hành Luật TGPL của Bộ Tư pháp, cả nước đã có trên 980 nghìn lượt người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác trong xã hội được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý. Đáng chú ý trong số những đối tượng nhận TGPL, có tới hơn 40% là phụ nữ. Điều này phản ánh thực tế phụ nữ là một trong những đối tượng cần phải được đặc biệt quan tâm và ưu tiên trong hoạt động cung cấp trợ giúp pháp lý.

Xuất phát từ đòi hỏi trên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, để đảm bảo bình đẳng về quyền được tiếp cận TGPL cần phải mở rộng đối tượng được TGPL bao gồm những hộ cận nghèo, phụ nữ là nạn nhân của bạo lực giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phụ nữ bị bạo hành 'ngại' trợ giúp pháp lý