Các nhà nghiên cứu đã phát triển một phương pháp mới chính xác hơn để đo nhiệt độ đại dương bằng cách đánh giá sự tích tụ của khí hiếm (còn gọi là khí trơ hoặc khí quý) được tìm thấy trong băng ở Nam cực, qua đó giúp đưa ra kết luận về những thay đổi trong nhiệt độ nước biển từ giai đoạn băng hà cuối cùng cho tới nay.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Latina Press).
Trong nghiên cứu do Phòng Thí nghiệm liên bang về khoa học và công nghệ vật liệu Thụy Sĩ (EMPA) công bố ngày 5/1, một nhóm các nhà khoa học quốc tế, gồm các nhà nghiên cứu thuộc EMPA và trường Đại học Bern, đã phát triển phương pháp sử dụng lõi băng từ Nam Cực để đo chính xác hơn nhiệt độ trung bình đại dương toàn cầu trong 24.000 năm qua, giai đoạn diễn ra sự chuyển tiếp từ thời kì băng hà cuối cùng.
Theo đó, các lớp băng vĩnh cửu ở khu vực này đã hình thành một "kho khí quyển" chứa đựng những bọt không khí hay những khí hiếm như krypton, xenon và argon.
Do nước lạnh hút các khí hiếm từ khí quyển còn nước ấm giải phóng chúng, nên sự tích tụ các khí hiếm trong những bọt khí ở lõi băng có thể giúp các nhà khoa học ước tính được nhiệt độ trung bình của đại dương ở thời kì này.
Bằng cách sử dụng phương pháp này, các nhà nghiên cứu đã xác định được mức tăng 2,6 độ C trong nhiệt độ trung bình của đại dương trong suốt giai đoạn 10.000 năm.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng tin rằng phương pháp này về lý thuyết có thể được áp dụng để theo dõi những thay đổi nhiệt độ hiện nay, thay vì chỉ được dùng để xác định những thay đổi quy mô lớn như trong giai đoạn chuyển tiếp từ thời kì băng hà cuối cùng cho đến nay. Điều này đóng vai trò quan trọng bởi khi khí hậu toàn cầu ấm lên thì đại đương là nơi hấp thụ phần lớn lượng nhiệt tăng thêm.
Cho đến nay, việc đo nhiệt độ trung bình của đại dương rất phức tạp và thường sai lệch do sự thay đổi của vị trí, mùa trong năm và độ sâu đại dương.
Theo EMPA, ý tưởng xem xét mối liên hệ giữa sự tích tụ các khí hiếm khí quyển và nhiệt độ trung bình của đại dương là một phương pháp đúng đắn và mang lại kết quả trong việc xác định những thay đổi trong nhiệt độ của đại dương.