Lo ngại cho an toàn của học sinh, tranh thủ 2 ngày cuối tuần học sinh được nghỉ học, nhiều trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã tiến hành chặt bỏ, cắt tỉa cây...
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, chặt bỏ đốn hạ cây thì rất nhanh, nhưng trồng và chăm sóc cây xanh để cho bóng mát cho học sinh phải tốn thời gian dài. Cần phải xác định rõ trách nhiệm quản lý cây xanh, còn chặt bỏ cây không có nghĩa là không phải lo về trách nhiệm mỗi khi có sự cố.
Cây cổ thụ lớn, cành lá sum suê tiềm ẩn nhiều nguy cơ gãy đổ khi mưa to, gió bão.
Bất ngờ cây đổ
Sau “nỗi kinh hoàng” cây phượng bật gốc tại trường THCS Bạch Đằng (TP Hồ Chí Minh), mới đây lại có một cây phượng vĩ cổ thụ đã bật gốc, ngã đổ trong sân Trường CĐ Công nghệ Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Rất may thời điểm cây phượng ngã chưa có học sinh đến lớp, vào buổi sáng sớm nên không có thiệt hại về người. Ngày tiếp đó, 29/5, tại trường tiểu học Thái Hòa A, phường Thái Hoà, TX. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, sau khi các học sinh tiểu học vừa ra về, một cây phượng trong sân trường bật gốc, ngã đổ.
Bất ngờ là suy nghĩ chung của tất cả mọi người xung quanh về những cây phượng đổ bởi hàng ngày, giáo viên trong trường và học sinh, phụ huynh vẫn nhìn thấy những cây này xanh tốt, không hề có dấu hiệu báo trước về việc sẽ đổ. Thậm chí, có nhà trường cho biết vẫn định kỳ mời công ty cây xanh đến kiểm tra, bón phân và tỉa nhánh các cây trong trường. Trường thì giao trách nhiệm cho bảo vệ kiểm tra cây, nếu cây nào có dấu hiệu lạ hoặc tán cây có nguy cơ gây nguy hiểm thì báo cho đơn vị có trách nhiệm đến xử lý.
Cưa cây hoặc thay thế dần những cây không còn phù hợp cũng là giải pháp hiện nay nhiều trường đang dự kiến áp dụng khi những vụ việc cây đổ xảy ra liên tiếp khiến các bậc phụ huynh và học sinh hoang mang. Nhất là với các nhà trường có tuổi đời lâu năm, nhiều cây cổ thụ lớn, cành lá sum suê thì càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gãy đổ khi mưa to, gió bão.
Như chia sẻ của ông Nguyễn Đức Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ (Q.6, TPHồ Chí Minh), một số cây ở khuôn viên trường không phù hợp sẽ dần được thay thế trong thời gian tới, trong đó có một cây phượng trồng trên nền đất trước đây là nền một nhà máy pin. Hay như khuyến cáo của một số chuyên gia, cây bàng giòn, dễ gãy nên nhiều trường cho biết đang dần thay thế bằng các loại cây tán rộng nhưng không quá cao nhằm đảm bảo an toàn vừa không đột ngột lấy hết bóng mát.
Tại Trường THCS Phan Đình Giót, (quận Thanh Xuân, Hà Nội), theo quan sát của chúng tôi, không có nhiều cây quá to. Trường chỉ có một vài cây dâu gia xoan, cây lộc vừng còn lại thì chủ yếu là giàn hoa, chậu cảnh nhỏ. Lý do nhà trường đưa ra là ngay từ đầu, nhà trường cũng chủ động không trồng cây to, phần vì diện tích hạn hẹp và để đảm bảo an toàn.
Các bên cùng có trách nhiệm
Việc trồng cây gì trong nhà trường thực tế đều có quy định cụ thể với các đơn vị tư vấn ngay từ khi thành lập dự án xây trường… Như ở Hà Nội đã có Quy định về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, quy trình này vẫn chưa đủ để đảm bảo an toàn cho trường học. Bởi nếu để các trường tự đánh giá sẽ không chính xác. Trong khi giáo viên là người không có chuyên môn, hiểu biết nhiều về cây thì lại là người được giao trách nhiệm quản lý cây. Khi nhà trường thuê công ty cây xanh đến làm cũng là định kỳ nên nếu có dấu hiệu bất thường cần xử lý ngay thì cũng rất khó khăn. Như những cây bị đổ vừa rồi, cảm quan nhìn thấy cây là tốt, cành lá xanh nhưng lại có nguy cơ đổ bất cứ lúc nào nên việc để các trường tự đánh giá sẽ không chính xác.
Một nguyên nhân được các chuyên gia về cây xanh chỉ ra đó là trong các trường học thường quây bê tông quanh gốc cây, khiến cây dễ bị bật gốc vì bộ rễ không phát triển được. Ngay cả những cây lâu năm cũng có thể chịu ảnh hưởng vì quá trình xây dựng, cải tạo của nhà trường nên không cần mưa bão mà chỉ cần gió to cũng có thể làm đổ cây. Vì vậy, cần quá trình chăm sóc chuyên biệt của các đơn vị có chuyên môn về vấn đề này.
Từ phía nhà trường, một số đơn vị đề xuất nên quy định cụ thể trách nhiệm của từng bên với việc quản lý cây xanh trong trường, đặc biệt là những cây cổ thụ, chứ không chỉ giao cho trường. Chẳng hạn cần quy định cụ thể quản lý ở mức độ nào: Bón phân, tưới cây hằng ngày có được xem là quản lý hay không? Nhà trường giao cho giáo viên hay bảo vệ phụ trách chăm sóc cây hàng ngày thì cũng không đủ chuyên môn, nghiệp vụ, mà cần có sự hỗ trợ, phối hợp với các đơn vị khác trên địa bàn.
Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, đơn vị này không quản lý cây xanh tại các trường học, việc này do các trường quản lý.
Trước tình trạng những ngày qua, một số trường học cho đốn hạ cây xanh, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng- Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam cho rằng: Qua nhiều vụ tai nạn do cây bật gốc gãy đổ mà đốn hạ cây nhưng không kiểm tra thì không nên. Trong khi đó, muốn nuôi được cây xanh trong không gian đô thị để tạo bóng mát phải tốn rất nhiều thời gian.
GS.TS Nguyễn Hữu Dũng đề xuất nhiều giải pháp. Đơn cử như việc rà soát các cây xanh có thân trưởng thành trung bình và cao, tán cây rộng, bộ rễ nông như phượng vĩ , xà cừ… Ngoài ra, cần kiểm tra thân và gốc cây, từ đó có kế hoạch chặt tỉa, thay thế và bảo dưỡng các hố, bệ đất trồng cây để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng cần tiến hành kiểm tra cây xanh trong công viên và các công trình công cộng xem cây có bị sâu đục, thân có bị rỗng hay không. Nếu bảo dưỡng không được thì việc đốn bỏ là điều cần thiết, nhằm tránh nguy hiểm cho người dân và cộng đồng.
Phía Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cũng thông tin, khi các trường có đề nghị phối hợp, công ty luôn sẵn sàng hỗ trợ. Như vậy, các công ty sẵn sàng phối hợp cùng nhà trường trong việc chăm sóc cây xanh. Vấn đề là cơ chế và chỉ đạo từ cấp trên để hướng đến mục tiêu cuối cùng là đảm bảo an toàn tuyệt đối trong trường học, nhìn từ hệ thống cây xanh cho bóng mát.